1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trẻ dưới 2 tuổi dễ viêm màng não, viêm phổi do Hib

(Dân trí) - Tại Việt Nam, theo thống kê mỗi năm, vi khuẩn Hib gây ra 625 trường hợp viêm màng não, hơn 100 nghìn trường hợp viêm phổi nặng. Bệnh để lại di chứng nặng nề như tổn thương não, thần kinh vĩnh viễn; điếc, rối loạn tâm thần và nguy cơ tử vong cao.

Từ 1/6/2010, vắc xin tổng hợp 5 trong 1 ngừa 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uấn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi trên toàn quốc. Để hiểu rõ thêm về căn bệnh do Hib, cơ chế phòng bệnh của vắc-xin này, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển (ảnh), Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, Trưởng ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng đã trao đổi với báo giới chiều nay (24/5).
 
Trẻ dưới 2 tuổi dễ viêm màng não, viêm phổi do Hib - 1

Người dân đã biết nhiều về nguy cơ các bệnh bạch hầu, ho gà, uấn ván và viêm gan B. Còn bệnh viêm màng não mủ, viêm phổi do Hib nguy hiểm như thế nào và thường tập trung ở đối tượng nào, thưa ông?

Vi khuẩn Haemophilus influenza týp B (Hib) là tác nhân quan trọng gây bệnh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, trong đó trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Hib là nguyên nhân hàng đầu gây viêm màng não cấp do vi khuẩn ở trẻ dưới 5 tuổi, chiếm từ 1/3-1/2 số trường hợp viêm màng não do vi khuẩn.

Vi khuẩn Hib thường gặp ở mũi và họng, dễ lây truyền từ người này sang người khác qua đường hô hấp, qua những giọt nước bọt do hắt hơi vào ho. Nguy hiểm là trẻ có thể mang vi khuẩn Hib mà không có dấu hiệu, triệu chứng của bệnh nên là nguồn lây chính trong cộng đồng.

Trẻ bị bệnh không được điều trị kịp thời có thể để lại những di chứng nặng nề về thần kinh, khiến trẻ bị điếc, trí tuệ sa sút, mất khả năng học tập, khó khăn khi vận động…. Tỷ lệ tử vong có thể từ 5-10% đối với những trẻ bị viêm màng não do Hib. Tuy nhiên, căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng bằng tiêm vắc-xin sớm cho trẻ.

Trên thế giới, hàng năm, ước tính khoảng 8 triệu trường hợp viêm phổi, viêm màng não mủ và khoảng 400.000 trẻ tử vong do Hib. Còn tại Việt Nam, theo thống kê năm 2000 do WHO hợp tác với Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ tiến hành, ước tính Hib gây ra 625 trường hợp viêm màng não, 107.565 trường hợp viêm phổi nặng hàng năm.

Còn một nghiên cứu tại nội thành Hà Nội từ tháng 3/2000 - 2/2002: hàng năm số mắc viêm màng não do Hib khoảng 12/100.000 trẻ dưới 5 tuổi, với tỷ lệ tử vong 4% và tỷ lệ di chứng 10%.

Vắc-xin tổng hợp 5 trong 1 QuinVaxem 0,5ml đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam, chỉ sử dụng trong chương trình TCMR. Loại vắc-xin này đã được Tổ chức Y tế thế giới xác nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng tháng 9/2006 và đến nay, vắc-xin này đã được sử dụng rộng rãi ở 90 nước trên thế giới.

Ông có thể nói cụ thể về tác dụng phòng ngừa 5 loại bệnh của vắc-xin tổng hợp này, đặc biệt là bệnh viêm màng não mủ, viêm phổi do Hib?
 
Vắc xin này có giá trị phòng ngừa các loại bệnh bạch hầu, ho gà, uấn ván, viêm gan B như các mũi riêng lẻ trước đó. Riêng với bệnh do Hib, các nghiên cứu cho thấy nếu trẻ được tiêm đủ mũi vắc-xin Hib sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh do Hib ở trẻ nhỏ tới trên 90%. Ở những nước đã đưa vắc-xin Hib vào TCMR một vài năm thì tình hình mắc bệnh do Hib giảm đi đáng kể. Như tại Kenya sau 4 năm đưa vắc-xin Hib vào TCMR, tỉ lệ mắc viêm màng não do Hib ở trẻ dưới 5 tuổi ước tính giảm từ 71/100.000 trẻ xuống còn 7/100.000 trẻ. Tại Malawi sau 5 năm (2002-2006) triển khai vắc-xin Hib trong TCMR, tỉ lệ mắc viêm màng não do Hib giảm từ 20-40/100.000 trẻ dưới 5 tuổi xuống gần bằng 0. Vì thế, từ năm 2006 Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo đưa vắc-xin này vào chương trình TCMR ở tất cả các nước.

Ngoài tác dụng ngừa bệnh, vắc-xin tổng hợp này còn có những ưu việt gì, thưa ông?

Ý nghĩa đầu tiên phải kể đến là giảm số lần tiêm cho trẻ, theo đó giảm nguy cơ phản ứng sau tiêm chủng. Các nghiên cứu cho thấy khi tiêm vắc-xin phối hợp DPT - VGB - Hib thì các phản ứng sau tiêm chủng ít hơn so với tiêm từng loại vắc-xin. Không có trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng được ghi nhận. Phản ứng thường gặp là phản ứng tại chỗ tiêm, một số ít (khoảng 10%) có sốt ≥ 38độC.

Đặc biệt, ở trên nhãn vắc-xin này cũng ghi rõ chỉ thị nhiệt độ, giúp quản lý chất lượng vắc-xin tốt hơn. Cụ thể, trên vỏ lọ vắc-xin có ký hiệu vòng tròn màu tím, trong là một ô vuông nhỏ màu trắng, nếu được bảo quản đúng nhiệt độ, ký hiệu về chỉ thị nhiệt độ này vẫn giữ nguyên. Còn nếu bảo quản ở nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh, chỉ thị màu này sẽ thay đổi, ô vuông màu trắng bên trong sẽ đổi màu thành màu tím sẫm gần giống vòng tròn ngoài, thậm thí sẫm màu hơn thì vắc-xin này không còn đảm bảo chất lượng.

Với nhà quản lý, có thể từ chỉ thị nhiệt độ trên loại vắc-xin này để kiểm soát chung các loại vắc-xin khác. Còn với người dân, khi đưa con đi khám cần yêu cầu được hướng dẫn rõ ràng, xem rõ ngày tháng, hạn sử dụng và xem kỹ chỉ thị nhiệt độ để nhận biết chất lượng vắc-xin.

Thêm một ưu việt, đó là vắc-xin này 1 lọ/1 liều duy nhất, không chia liều, không pha chế. Vắc xin được tiêm cho trẻ lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi, không có chống chỉ định đặc biệt, chỉ như các vắc-xin thông thường, như hoãn tiêm cho trẻ nếu trẻ sốt hoặc mắc các bệnh cấp tính.

Xin cảm ơn ông!

 Giống như lịch tiêm chủng cũ

Theo ông Hiển, các bà mẹ hoàn toàn có thể đưa con đi tiêm phòng theo đúng lịch tiêm chủng mở rộng trước đó, vì vắc-xin này cũng được chỉ định tiêm cùng thời điểm với vắc-xin ho gà, bạch hầu, uấn ván, viêm gan B. Chỉ khác một điểm là thay vì tiêm từng mũi riêng lẻ, 3 mũi để phòng DPT (bạch hầu, ho gà, uấn ván), 3 mũi VGB, 3 mũi ngừa Hib thì trẻ chỉ cần tiêm 3 mũi vắc-xin tổng hợp để ngừa cả 5 loại bệnh này. Lịch tiêm vẫn nguyên, số mũi tiêm giảm xuống nhưng phòng thêm được một loại bệnh.

Hồng Hải (ghi)