Trẻ di tật bẩm sinh do di truyền có xu hướng gia tăng

(Dân trí) - Tỷ lệ trẻ em mới sinh bị dị tật bẩm sinh do di truyền chiếm tới 3% và xu hướng tiếp tục gia tăng do điều kiện sống, môi trường độc hại, lối sống hoặc phong tục, tập quán lạc hậu.

Ngày 23/10, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2011 - 2015 trước Quốc hội. Theo ông Vinh, Chương trình MTQG có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng tích cực đến phát triển văn hoá, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân, bước đầu đã mang lại sự chuyển biến đáng kể đối với hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Vẫn còn nhiều trẻ bị di tật bẩm sinh (ảnh minh họa)
Vẫn còn nhiều trẻ bị di tật bẩm sinh (ảnh minh họa)

Chương trình góp phần nâng cao sức khỏe bà mẹ và giảm tử vong ở trẻ em bình quân hàng năm hiện nay cả nước chỉ có khoảng 1,4 - 1,5 triệu phụ nữ mang thai và sinh đẻ so với 2,2 - 2,3 triệu phụ nữ mang thai và sinh đẻ hàng năm nếu không có Chương trình MTQG Dân số và Kế hoạch hóa gia đình.

Chương trình cũng đã góp phần kiểm soát quy mô và tốc độ tăng dân số. Tốc độ tăng dân số bình quân năm thời kỳ 2011 - 2013 là 1,04%, dự kiến đến năm 2015 khoảng 1%, đạt mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, theo ông Vinh tỷ lệ trẻ em mới sinh bị dị tật bẩm sinh do di truyền chiếm tới 3% và xu hướng tiếp tục gia tăng do điều kiện sống, môi trường độc hại, lối sống hoặc phong tục, tập quán lạc hậu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam đã chuyển từ cơ cấu dân số trẻ sang giai đoạn già hóa dân số. Dù vậy, nước ta vẫn chưa chuẩn bị tốt cho việc thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, nhất là chế độ an sinh xã hội cho người cao tuổi.

Việt Nam là một trong số ít nước đạt được tiến bộ về Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ như giảm tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi, dưới 1 tuổi; tỷ lệ suy dinh dưỡng; tỷ số tử vong mẹ giảm mạnh từ những năm 1990.

Sau 3 năm thực hiện Chương trình MTQG, trong bối cảnh khó khăn khi kinh tế tăng trưởng chậm hơn mức dự kiến, nhưng các chỉ tiêu an sinh xã hội vẫn được đảm bảo, các chỉ số cơ bản về y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh môi trường, văn hóa, xã hội… tiếp tục được cải thiện.

Điều kiện sống, ăn ở đi lại, học hành, chữa bệnh của nhân dân vùng khó khăn và vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người từng bước được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm mạnh (từ 14,2% năm 2010 xuống còn 9,6% năm 2012, dự kiến năm 2013 chỉ còn 7,6%); tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm (từ 4,43% năm 2010 xuống còn dưới 4% năm 2013)

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ rõ kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60 - 70%, tập trung vào hộ nghèo dân tộc thiểu số.

Chương trình MTQG Y tế đã góp phần cải thiện và nâng cao sức khỏe của người dân Việt Nam, hầu hết các chỉ số về sức khỏe của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập. Thông qua việc tăng cường cơ sở vật chất, mạng lưới y tế dự phòng rộng khắp từ trung ương tới thôn, bản và cơ sở khám chữa bệnh đã góp phần khống chế và dập dịch kịp thời, ứng phó được các vấn đề sức khỏe liên quan đến thiên tai, thảm họa, không để dịch lớn xảy ra, tăng tuổi thọ và nâng cao chất lượng giống nòi người Việt Nam.

Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm