Trẻ bị tiêm nhầm thuốc đường uống: Sẽ giữ được tính mạng bé?
(Dân trí) - Chiều nay, ThS.BS Trần Văn Trung, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nhi - BV Đa khoa Xanh Pôn, mới lần đầu tiên chia sẻ chính thức về tình trạng của bệnh nhi Nguyễn Hoàng Tr. (8 tháng tuổi) sau khi bị tiêm nhầm kali đường uống vào tĩnh mạch.
Theo ThS. BS Trung, bệnh nhi đã bước sang ngày thứ 4 được điều trị tại bệnh viện Xanhpon. Tình trạng bệnh nhi có tiến triển khá hơn nhưng hiện tại vẫn đang trong tình trạng nặng. Theo đó, bệnh nhi có sốc nhiễm khuẩn (do nhiễm khuẩn huyết), suy đa cơ quan.
ThS.BS Trung cũng rè rặt cho rằng “có thể có viêm màng não mủ”.
Bệnh nhi hiện đang thở máy, điều trị chống sốc và các rối loạn chức năng của các cơ quan.
“Bệnh nhi tiên lượng vẫn rất nặng, phụ thuộc vào mức đáp ứng của trẻ”, BS Trung kết luận.
Trong khi đó, theo Ths.Bs Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, nếu tiêm nhầm Kali clorid đường uống vào cơ thể, sau vài tiếng Kali sẽ được thải ra ngoài. Nếu bệnh nhân được cấp cứu, hồi sức tích cực, qua vài tiếng đồng hồ coi như giữ được tính mạng. Tuy nhiên, nếu tiêm nhầm cho bệnh nhi có bệnh tim bẩm sinh thì nguy cơ tử vong sẽ rất cao.
Kali clorid có tác dụng bổ sung kali giúp điều chỉnh nồng độ kali máu, phòng ngừa hạ kali máu.
Bệnh nhân được kê Kali clorid khi mức độ kali trong máu không đủ (hạ kali máu).
Kali có thể cho đường uống tương đối an toàn hoặc dùng đường tiêm tĩnh mạch.
Việc dùng Kali clorid đường tiêm cần rất cẩn trọng, vì nó sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ (giảm bạch cầu, tăng kali máu, viêm dạ dày...).
Việc dùng kali clorid đường uống tiêm tĩnh mạch là rất nguy hiểm vì có thể gây ngừng tim.
Trong trường hợp thuốc chỉ định tiêm bắp nếu tiêm nhầm tĩnh mạch cũng rất nguy hiểm.
Trần Phương