Nghệ An:

Trao tặng Nhà điều trị bệnh nhân cho xã nghèo

(Dân trí) - Sáng ngày 25/4, lãnh đạo Trường Đại học Vinh cùng PV Dân trí thường trú tại Nghệ An đã tiến hành bàn giao nhà điều trị bệnh nhân cho xã Châu Thái, huyện Qùy Hợp (Nghệ An) sau hơn 4 tháng xây dựng.

Khánh thành và trao tặng Nhà điều trị bệnh nhân cho xã nghèo.
Khánh thành và trao tặng Nhà điều trị bệnh nhân cho xã nghèo.
 
Thực hiện Quyết định số 1310/QĐ-UBND ngày 20/04/2012 của UBND Tỉnh Nghệ An về việc phân công các cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ các xã nghèo vùng miền Tây tỉnh Nghệ An. Đây là một chương trình có ý nghĩa hết sức nhân văn. Theo quyết định, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhận hỗ trợ, giúp đỡ các xã nghèo về phát triển kinh tế - xã hội.

Các cơ quan, đơn vị vận động cán bộ công nhân viên ủng hộ, trích từ nguồn hợp pháp của đơn vị để xây dựng nhà ở cho người nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật, nhân rộng mô hình kinh tế để phát triển sản xuất, hỗ trợ cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Cụ thể, các huyện gồm Kỳ Sơn có 16 xã được giúp đỡ, huyện Tương Dương (16 xã) huyện Quế Phong (10 xã), huyện Anh Sơn (3 xã), huyện Thanh Chương (5 xã), huyện Tân Kỳ (6 xã), huyện Qùy Hợp (11 xã), huyện Qùy Châu (11 xã), huyện Nghĩa Đàn (3 xã) và huyện Con Cuông (3 xã).

Đối với trường ĐH Vinh, đã được UBND tỉnh Nghệ An giao giúp đỡ xã Châu Thái, huyện Qùy Hợp (Nghệ An) với tình cảm và trách nhiệm của tập thể cán bộ, công chức, viên chức và học sinh, sinh viên, học viên Trường Đại học Vinh. Sau khi thống nhất chương trình hoạt động giúp đỡ Trường Đại học Vinh phối hợp với lãnh đạo chính quyền xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp tiến hành khảo sát và đi đến quyết định xây dựng công trình Nhà điều trị bệnh nhân (nằm trong khuôn viên trạm xá xã).
Với việc đưa công trình này vào phục vụ đã đỡ đi phần nào trạm xá cũ đã xuống cấp.
Với việc đưa công trình này vào phục vụ đã đỡ đi phần nào trạm xá cũ đã xuống cấp.
 
Sau hơn 4 tháng khởi công, công trình đã được hoàn thành với các hạng mục: Nhà điều trị bệnh nhân cấp bốn, 3 gian, đổ mái bằng kiên cố; các công trình phụ trợ bao gồm sân vườn, giếng nước, đường xi măng và các trang thiết bị cơ bản phục vụ cho việc khám chữa bệnh, điều trị bệnh nhân ở vùng khó khăn này. Công trình có tổng kinh phí hơn 600 triệu đồng, trích từ nguồn kinh phí tự có của Nhà trường và sự ủng hộ, đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức và học sinh, sinh viên.

TS. Mai Văn Tư - Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Công trình tuy không lớn, nhưng đây là hoạt động khởi đầu có ý nghĩa, là tấm lòng và tình cảm của Trường Đại học Vinh đối với nhân dân xã Châu Thái nói riêng và đồng bào các dân tộc vùng núi miền Tây Nghệ An, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để chăm sóc sức khoẻ, phục vụ nhân dân.

Trong thời gian tới, để tiếp tục các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ xã Châu Thái, Trường Đại học Vinh đã có định hướng và tiếp tục bàn bạc cụ thể với lãnh đạo chính quyền xã triển khai các hoạt động trình diễn và chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng, giống cây con, các ứng dụng kỹ thuật, các hoạt động nghiên cứu giúp đỡ, phát triển kinh tế xã hội, các hoạt động tình nguyện của cán bộ trẻ, học sinh, sinh viên giúp đỡ nhân dân, thanh niên, học sinh của xã trong lao động sản xuất và học tập. Trường Đại học Vinh tiếp tục nghiên cứu, vận dụng các chính sách hiện có để giúp đỡ con em xã Châu Thái khi trúng tuyển và về học tập tại Trường Đại học Vinh.

Được sự giúp đỡ từ trường ĐH Vinh, xã Châu Thái đã bớt đi những khó khăn, nhất là trong công tác khám và điều trị sức khỏe cho người dân. Chia sẻ cảm xúc này ông Nguyễn Văn Hoà đã cảm ơn những tình cảm và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và học sinh, sinh viên, học viên Trường Đại học Vinh đối với đồng bào các dân tộc của huyện Quỳ Hợp nói chung, xã Châu Thái nói riêng trong công tác giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Được biết, xã Châu Thái có 23 bản với hơn 1.700 hộ dân trên 7,5 ngàn nhân khẩu, cuộc sống hết sức khó khăn, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, số hộ nghèo chiếm 43%. Đặc biệt, có nhiều bản cách xa trung tâm y tế huyện từ 12 - 15km. Mỗi khi có người đau ốm phải vất vả trong việc di chuyển ra nơi điều trị. Do đó, việc có nhà điều trị đã phần nào giúp việc điều trị nội trú của bà con dân tộc được thuận tiện và nhanh chóng.

Nguyễn Duy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm