Trắng đêm phẫu thuật cứu giám đốc người Nhật bị nhồi máu tủy

(Dân trí) - Đau lưng dữ dội, một giám đốc người Nhật nhập viện cấp cứu trong tình trạng yếu, liệt hai chân. Sau chẩn đoán bệnh nhân bị bóc tách động mạch chủ ngực cấp, biến chứng nhồi máu tủy, các bác sĩ thức trắng đêm phẫu thuật cứu sinh mạng người bệnh khi đã cận kề cửa tử.

Cứu bệnh nhân trước, những việc khác tính sau

Ê kíp phẫu thuật vừa thực hiện thành công cuộc mổ trên là các bác sĩ tại khoa Phẫu thuật Tim mạch, bệnh viện Đại học Y Dược, TPHCM.

Thông tin từ TS.BS Nguyễn Hoàng Định, Trưởng khoa cho hay: Chiều 27/7 khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận nam bệnh nhân (43 tuổi, quốc tịch Nhật Bản hiện là giám đốc một công ty đóng trên địa bàn tỉnh Long An).

Người bệnh được một cơ sở y tế tư nhân tại TPHCM chuyển cấp cứu trong tình trạng bị yếu hai chân. Thông tin bệnh sử ghi nhận, bệnh nhân thể trạng béo phì, hút thuốc lá ngày khoảng 3 gói, bị cao huyết áp... Trước khi vào viện, người bệnh bị đau lưng dữ dội.

Sau hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ kết luận đây là một trường hợp bóc tách động mạch chủ ngực cấp với biến chứng nhồi máu tủy gây liệt cấp tính 2 chi dưới. Đây là biến chứng hiếm gặp nhất (chiếm dưới 1%) có thể gây liệt chi vĩnh viễn, càng để lâu nguy cơ tử vong càng tăng, khả năng phục hồi chi càng ít đi.

Một tuần sau cuộc phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân đã bình phục rất tốt
Một tuần sau cuộc phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân đã bình phục rất tốt

Tuy nhiên, tại thời điểm nhập viện, người bệnh không có thân nhân đi cùng, người duy nhất đến bệnh viện cùng nam bệnh nhân chỉ có cô gái trẻ làm thông dịch viên mới về nhận việc tại công ty, dẫn tới phát sinh thêm nhiều vấn đề về tính pháp lý trong quá trình điều trị.

Bệnh viện đã chủ động liên hệ với Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM. Tuy nhiên, thời điểm đó đã hết giờ làm việc. Trong khi đó, tình trạng của người bệnh mỗi lúc thêm khẩn nguy, nếu để kéo dài các bác sĩ có thể mất bệnh nhân bất kỳ lúc nào.

Tạm gác lại những lo lắng liên quan đến trách nhiệm, tính pháp lý và chi phí của cuộc mổ, bệnh viện Đại học Y Dược quyết định cứu tính mạng người bệnh sau khi thực hiện tcác chẩn đoán hình ảnh.

Xuyên đêm phẫu thuật cứu người bệnh

Bệnh viện đã huy động đội ngũ nhân sự có chuyên môn giỏi, xin ý kiến cố vấn của các nhà chuyên môn, huy động thuốc, vật tư, trang thiết bị hiện đại để chuẩn bị thực hiện cuộc mổ. Sau khi tiến hành gây mê cho người bệnh, lúc 23h ngày 27/7 bệnh nhân được đưa vào phòng mổ.

PGS.TS.BS Phạm Thọ Tuấn Anh, Cố vấn chuyên môn của bệnh viện, nhận định: bệnh nhân bị bóc tách động mạch chủ ngực cấp với lỗ vào ngay sau vị trí chia động mạch dưới đòn trái, kèm huyết khối nội thành toàn bộ động mạch chủ ngực xuống tới động mạch chủ bụng gây chèn ép dẫn tới biến chứng nhồi máu tủy. Khó khăn lớn là lỗ vào nằm ngang vị trí xuất phát của động mạch dưới đòn trái, việc can thiệp nội mạch có nguy cơ che phủ lỗ xuất phát của động mạch khiến nhiều bộ phận cơ thể người bệnh bị thiếu máu nuôi.

Cũng theo PGS Tuấn Anh: “Sau khi đặt dẫn lưu dịch não tủy để giải áp, chúng tôi tiến hành phẫu thuật cho người bệnh bằng kỹ thuật Hybrid (kết hợp phẫu thuật và can thiệp nội mạch). Khi bít lỗ bóc tách, để đảm bảo đủ lượng máu lưu thông đến nuôi não và các bộ phận khác của cơ thể, chúng tôi tiến hành cắt rời động mạch dưới đòn trái khỏi động mạch chủ và nối vào động mạch cảnh chung trái. Khi việc cắt nối hoàn tất, các chỉ số sinh hiệu của người bệnh đều ổn định. Tiếp đến, thủ thuật can thiệp nội mạch được thực hiện đưa ống ghép nội mạch bít thành công vị trí động mạch chủ ngực bị bóc tách.”

Đến 6h sáng ngày 28/7, sau một đêm thức trắng, các bác sĩ mới tạm trút được gánh nặng khi cuộc mổ thành công, tổng trạng của người bệnh ổn định.

Việc liên hệ với Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM được kết nối lại vào giờ hành chính. Ngay sau đó, chị gái của người bệnh đã nhận được tin vui về sức khoẻ của em mình, bà đã đáp chuyến bay đến Việt Nam chăm sóc cho em.

Đến chiều ngày 4/8, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã bình phục rất tốt, sức cơ hai chân đã bình phục khoảng 80% so với trước khi phát bệnh. Người bệnh đang được tiếp tục theo dõi, điều trị tại phòng Hồi sức Tim mạch.

Trao đổi với phóng viên, chị gái bệnh nhân xúc động bày tỏ: “Khi biết em mình lâm trọng bệnh, tôi vô cùng lo lắng. Em tôi may mắn qua được cơn nguy kịch nhờ trình độ chuyên môn rất giỏi của các bác sĩ Việt Nam. Chúng tôi đã đặt nhiều niềm tin vào sự thành công khi đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Những thiện chí từ hợp tác kinh doanh đến việc cứu chữa kịp thời cho em tôi càng củng cố thêm lòng tin của chúng tôi về đất nước các bạn.”

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm