1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tràn lan thuốc tăng cân bị cấm lưu hành

Thuốc tăng cân trôi nổi, không rõ nguồn gốc, thậm chí bị cấm lưu hành nhưng vẫn đang được bán tràn lan ở, bất chấp sự nguy hại đối với sức khỏe người sử dụng.

Tràn lan thuốc tăng cân bị cấm lưu hành

Ảnh minh họa
  

Gần đây, mọi người thường rỉ tai nhau về một số loại thuốc tăng cân cấp tốc, uống khoảng hai-ba tháng tăng 4-5kg/người. Nghe theo lời đồn, chị Nguyễn Lan Anh (đường Ngô Gia Tự, Q.10) quyết định tìm mua.

 

Tại hiệu thuốc Đông dược T.T. trên đường Nguyễn Trãi (gần đoạn giao với Nguyễn Duy Dương, Q.5), các nhân viên bán cho chị Lan Anh lọ Tăng Phì Hoàn (Ceng Fui Yen), xuất xứ Malaysia, có giá 83.000đ/hộp 30 viên. Trên sản phẩm ghi chi chít tiếng Anh, tiếng Trung Quốc và hướng dẫn ngày uống hai viên sau bữa cơm chiều. Khi nào tăng cân như mong muốn thì rút xuống còn một viên.

 

Tương tự, anh Trần Quang Huy (đường Lê Quang Định, Q.Bình Thạnh) tìm mua thuốc tăng cân cho vợ tại đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5), cũng được giới thiệu các nhãn hiệu như: Tăng Phì Hoàn (giá 95.000đ) xuất xứ Malaysia, Jiang Sen Poh (120.000đ) xuất xứ Hàn Quốc… Các sản phẩm đều giống nhau ở chỗ không có nhãn phụ, hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.

 

Tìm mua tăng cân cấp tốc, chúng tôi được chủ cửa hàng B.A. (trên đường Hải Thượng Lãn Ông, Q.5) giới thiệu thuốc Thùng Thảo Sâm Nhung, xuất xứ Trung Quốc. Khi đọc kỹ phần chú thích tiếng Việt, chúng tôi thấy trên 90% từ ngữ bị sai chính tả, ví dụ Trùng thảo thì viết là Thùng thảo...

 

Một số sản phẩm khác như: Kian Pee Wan (110.000đ/hộp), Jing Jang Wan (110.000đ/hộp) bán tại cửa hàng S.P. trên đường Lương Nhữ Học (Q.5); Seng Chi Wan (110.000đ, bán tại nhà thuốc D.K. đường Trần Hưng Đạo, Q.5)… cũng trong tình trạng có hộp mà không có hướng dẫn sử dụng; nếu có cũng rất mơ hồ. Khi chúng tôi hỏi thuốc dùng được cho trẻ em hay không thì mỗi nơi trả lời mỗi khác. Cách thức sử dụng các loại thuốc trên đều giống nhau là uống 2 viên sau bữa cơm chiều.

 

Thực tế, loại thuốc Tăng Phì Hoàn đã bị Cục Quản lý Dược cấm lưu hành từ ngày 18/4/2005 do ngụy tạo tân dược, có thành phần không đúng như hồ sơ xin nhập khẩu nhưng không hiểu sao vẫn được bán công khai tại các hiệu thuốc Đông y trên địa bàn TPHCM.

 

Nhân viên bán thuốc tại cửa hàng D.K. khẳng định: trong số hàng trăm loại thuốc chúng tôi bán ra thị trường, Tăng Phì Hoàn được nhiều người dùng nhất do phù hợp cơ địa nhiều người; kích thích ăn uống ngon miệng, ngủ nhiều…

 

Theo anh Trần Quang Huy, chỉ hai tháng sau khi sử dụng thuốc, vợ anh tăng được 5kg. “Dạo này vợ tôi thường ngủ nhiều, khuôn mặt sưng húp, tính tình lơ đãng quên trước quên sau… Tôi lo quá nên bảo vợ không uống nữa”, anh Huy nói.

 

Còn chị Lan Anh thì cho biết: “Sau khi dùng Tăng Phì Hoàn được hai tháng, tôi tăng 4kg. Tuy nhiên, người tôi lúc nào cũng lừ đừ, mệt mỏi, thèm ăn, làm việc không hiệu quả… Hiện tôi đã ngưng thuốc vì... sợ”.

 

Theo TS Đông y Nguyễn Minh Mẫn (Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng), không ít loại thuốc tăng cân nêu trên lấy danh nghĩa thuốc Đông y (chỉ có dược thảo) nhưng thực chất có pha chế thêm thành phần corticoid - dùng lâu dài dễ gây phù cơ thể (cơ thể giữ nước), loét dạ dày, mục xương, suy giảm trí nhớ, giảm sức đề kháng; đối với nữ giới nếu sử dụng sẽ dễ bị rối loạn kinh nguyệt… Biểu hiện dễ nhận thấy nhất sau khi dùng thuốc là: tăng cân nhanh chóng, cơ thể lừ đừ mệt mỏi, thèm ngủ, ăn nhiều…
 

DS Nguyễn Văn Vĩnh, Trưởng phòng Quản lý dược, Sở Y tế TPHCM, cho biết, các văn bản đình chỉ thuốc mà Bộ Y tế gửi về đều được Sở và các phòng y tế quận/huyện thông báo cho các nhà thuốc. TP.HCM có khoảng 4.000 nhà thuốc Tây và rất nhiều cơ sở bán thuốc Đông y, mỗi năm Sở hậu kiểm, thanh tra một cơ sở từ 1-2 lần nên không thể kiểm soát hết được việc bán thuốc của các cơ sở này.

 

Do đó, Phòng Quản lý dược cần có sự phối hợp với người dân để phát hiện kịp thời các trường hợp sai phạm. Riêng với người dân, phải sử dụng các thuốc đã được cấp phép lưu hành có số đăng ký thuốc, nguồn gốc, hạn sử dụng, nhãn phụ bằng tiếng Việt… rõ ràng trên bao bì.

 

BS Trần Hữu Vinh, Trưởng phòng Quản lý Y dược học cổ truyền, Sở Y tế TP, khuyến cáo, nếu uống phải những thuốc tăng cân có “ngậm” corticoid, người tiêu dùng dễ bị phù mặt do ứ nước, mọc râu, loãng xương dẫn đến gãy xương, hội chứng cushing (do thừa corticoid trong máu lâu ngày gây mập phì ở mặt và thân, cao huyết áp, gây đau xương sườn, xương sống).

 

Theo Văn Thanh 
Phụ nữ TPHCM

 

 

Dòng sự kiện: Bí quyết giảm cân