Trà chanh: Chủ lãi khủng, khách uống phế phẩm
Bắt đầu xuất hiện từ cách đây vài năm và dần dần nở rộ trên hầu hết những tuyến phố Hà Nội, các quán trà chanh đã trở thành điểm thu hút rất nhiều bạn trẻ mỗi buổi tối. Tuy nhiên chất lượng của loại nước uống này ra sao thì không phải ai cũng để ý...
Dùng “trà của người chết” để pha trà chanh
Các quán trà chanh đã trở thành điểm hút các bạn trẻ
Đến đây, PV được một chủ ki-ốt bán các loại chè kéo lại thì thầm: “Nếu mở quán trà chanh vỉa hè thì chỉ nên dùng loại trà cám có giá 45.000/kg. Lấy nhiều chị sẽ bớt cho chút ít”.
“Loại trà này cho nước có màu hơi xanh, vị chát., những người cẩn thận thì sẽ mua thêm ít trà nhài để trộn vào với loại trà cám này cho có vị thơm của hoa nhài. Thế là đã có một cốc trà ưng ý. Thường thì các chủ quán trà chanh vỉa hè chỉ dùng nguyên loại trà cám này để hạn chế chi phí”, người bán hàng giới thiệu.
Theo lời người bán hàng thì loại trà này được chế xuất từ những lá chè già cho nên không được nhiều người lựa chọn để sử dụng trong gia đình. Tuy nhiên, trong kinh doanh trà đá, trà chanh thì nó lại là mặt hàng hút khách.
“Những người bán trà vỉa hè rất thích loại trà này vì giá rẻ lại được nước. Một kg chè có thể pha được hàng trăm cốc trà. Người tiết kiệm thì còn có thể pha được nhiều hơn. Nếu bán trà chanh thì mua thêm 500g đường hóa học giá 100 nghìn là thoải mái pha hàng nghìn cốc trà”.
Nguyên liệu trà giá rẻ được bày bán tràn lan ở chợ Đồng Xuân.
“Muốn rẻ hơn nữa thì dùng loại “trà của người chết”. Loại trà đó thì chất lượng kém hơn loại trà cám đã nói ở trên đến 2, 3 bậc. Khi pha chế, nước trà sẽ có màu đỏ quạch. Do đó giá của loại trà này cũng rẻ hơn rất nhiều, chỉ 20.000 - 25.000/kg”, một người bán hàng tại ki-ốt tên Y. bật mí.
Vẫn theo lời chị Y., “Trước kia, loại trà này chỉ dành để bán cho các đám ma, dùng trong việc khâm liệm, ướp xác. Cho nên những người bán hàng chúng tôi mới quen gọi là “trà của người chết””.
Từ khi các quán trà chanh nở rộ, nhiều người bán trà với tâm lý càng giảm được chi phí cho mỗi cốc trà bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu, cho nên họ đã tìm đến loại trà này.
“Có những người lấy một lúc cả chục kg loại này mà chỉ mấy ngày lại ra mua, chứng tỏ sức tiêu thụ của họ rất lớn”, chị Y. nói thêm.
Vốn nhỏ, lãi khủng
Tìm hiểu và tham khảo ý kiến của một số hộ kinh doanh trà tranh, có thể thấy, chỉ cần bỏ ra khoảng 500 nghìn để mua vài chục cái ghế cũ, một ít cốc, một kg chè, đường, chanh, hướng dương... là đã có thể mở được một quán trà chanh ven đường.
Điều đó giải thích vì sao, đi bất cứ tuyến phố nào, người ta cũng bắt gặp nhan nhản các quán trà chanh. Và, không ít các sinh viên cũng hứng thú với loại hình kinh doanh này.
Đồ nghề của một quán trà chanh
Hoàng H., sinh viên đại học Bách Khoa - Hà Nội, bán trà chanh trên đường Nguyễn Trãi - Thanh Xuân cho biết: “Em mở quán trà chanh đã được 2 năm nay, mỗi tối em bán được khoảng 30 - 40 cốc. Mỗi cốc trà 10 nghìn đồng. Trừ chi phí cũng đủ để đóng tiền ăn học không phải xin bố mẹ”.
“Nhiều người cũng bán trà nhưng họ lấy nguyên liệu “bẩn” thì thu nhập sẽ cao hơn. Mỗi kg chè có giá 25-30 nghìn, cộng thêm chút đường hóa học, họ có thể pha ra cả trăm cốc trà, thậm chí hơn. Trong khi đó, mỗi cốc trà chanh họ bán ra với giá trung bình là 15 nghìn đồng. Những quán đông khách, mỗi tối có thể bán được hai, ba trăm cốc trà, chưa kể các loại thức uống khác, hay hạt hướng dương, hoa quả...”.
“Em là sinh viên, khách hàng phần lớn là bạn bè, cho bạn bè uống bằng loại trà phế phẩm thì thấy áy náy lắm nên em không làm, chứ ở ngoài thì khách hàng biết đấy là đâu. Có chỗ ngồi để “chém gió” với bạn bè là thấy vui lắm rồi, mấy ai để ý đến chất lượng cốc trà!”, Hoàng H. tâm sự.
Theo Minh Minh
Vietnamnet