1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội: Nhiều cái nhất về HIV

Ủy ban Quốc gia về phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã tổ chức buổi họp trực tuyến toàn quốc về tình hình tệ nạn xã hội ngày 5/3. Theo đó, TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 thành phố có nhiều cái nhất về HIV.

Số trẻ có HIV tại Trung tâm GDLĐ XH số 2 (Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội) ngày một tăng. Ảnh: Trần Lâm

Số trẻ có HIV tại Trung tâm GDLĐ XH số 2 (Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội) ngày một tăng. Ảnh: Trần Lâm

 

98% các huyện trên toàn quốc có HIV

 

Báo cáo bằng các biểu đồ của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho thấy, không chỉ là 100% tỉnh, thành phố; 98% các huyện mà còn cho thấy có tới 79% số xã trên toàn quốc báo cáo có nhiễm HIV.

 

Trong 5 năm trở lại đây, tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm tình dục khác giới tăng nhanh từ 8,1% năm 2007 lên 22,2% năm 2011 và trong 11 tháng năm 2012, tỉ lệ này đã là 24,7%. Những cảnh báo này cho thấy, HIV đã có mặt tại hầu hết các địa phương trên toàn quốc và đây là điều rất nguy hiểm.

 

Trong 10 tỉnh, thành phố có số người nhiễm HIV còn sống cao nhất cả nước thì TP.Hồ Chí Minh dẫn đầu (50.931 người), Hà Nội đứng thứ hai (19.987 người). Kết quả giám sát trọng điểm nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam năm 2012 cho thấy tỉ lệ nhiễm HIV cao nhất là ở TPHCM (7,3%) và đứng thứ hai cũng là Hà Nội (6,5%).

 

Tương tự, trong số các ca phát hiện nhiễm HIV năm 2012 thì TPHCM và Hà Nội vẫn dẫn đầu, lần lượt là 2.721 trường hợp (chiếm 19,26% so với tổng số trường hợp phát hiện), 751 trường hợp (chiếm 5,32%). Nhưng với các tỉnh có tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ bán dâm cao nhất thì Hà Nội lại đứng đầu (chiếm 22,5%), tiếp đó là Cần Thơ và Lạng Sơn.

 

Số liệu báo cáo không đồng nhất

 

Trong báo cáo của mình trước hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, số người sử dụng ma túy tổng hợp có xu hướng tăng cao, có nơi chiếm 50% số đối tượng được đưa vào cai nghiện tại các trung tâm. Tuy nhiên số người đang cai nghiện trong các cơ sở chữa bệnh chỉ chiếm 24% và ở trại giam là 11%, còn số người đang ở ngoài cộng đồng chiếm 65%.

 

Để phòng, chống mại dâm có hiệu quả, nhiều kiến nghị tại hội nghị đề xuất tăng kinh phí hơn nữa cho các chương trình này. Dù rằng, báo cáo của bà Hải Chuyền cho biết, tổng số kinh phí năm 2012 mà trung ương và địa phương dành cho công tác này là trên 70 tỉ đồng, gần bằng 2/3 kinh phí bố trí cho công tác phòng, chống mại dâm trong 5 năm từ 2006 – 2010 (gần 110 tỉ đồng).

 

Tuy nhiên, cũng theo bà Hải Chuyền, số người nghiện vẫn tăng, trên toàn quốc hiện có 171.400 người nghiện, bằng 7,7% so với năm 2011, trong đó có 49 địa phương có người nghiện tăng.

 

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về phòng, chống ma túy thì số địa phương có người nghiện tăng là 60 (chứ không phải 49 như báo cáo của Bộ LĐTBXH). Vậy đâu là số liệu đáng tin cậy? Những số liệu này theo chúng tôi là rất quan trọng, bởi lẽ nó cho thấy rõ thực trạng gia tăng nghiện trên diện rộng đã đến mức nào.

 

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm - yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, đặc biệt các địa phương phải vào cuộc một cách quyết liệt hơn nữa.

 

Theo Vương Hà

Lao Động