1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM vẫn tăng mạnh ca mắc sởi, thêm bé gái 12 tháng tuổi tử vong

Hoàng Lê

(Dân trí) - Trong tuần gần nhất, số ca mắc sởi của TPHCM vẫn tiếp tục tăng mạnh. Đồng thời, địa phương ghi nhận thêm một trường hợp tử vong do biến chứng nặng sau khi nhiễm sởi.

Ngày 3/12, Sở Y tế TPHCM cho biết, số ca mắc sởi tại địa phương vẫn tiếp tục gia tăng.

Theo đó, trong tuần 48 (từ 25/11 đến 1/12), TPHCM ghi nhận 319 ca bệnh sởi, tăng hơn 58% so với trung bình 4 tuần trước. Trong đó, có 180 ca nội trú (tăng hơn 36%) và 180 ca ngoại trú (tăng hơn 98%).

Số trường hợp mắc bệnh vẫn tiếp tục tăng ở nhóm 6-9 tháng tuổi và nhóm trẻ 11-14 tuổi, trong khi số ca nhiễm thuộc nhóm 1-10 tuổi không tăng.

Đáng chú ý, vừa qua TPHCM đã ghi nhận thêm một trường hợp bệnh nhân nhiễm sởi tử vong, do cơ địa suy dinh dưỡng và bị tật thiểu sản phổi phải bẩm sinh.

TPHCM vẫn tăng mạnh ca mắc sởi, thêm bé gái 12 tháng tuổi tử vong - 1

Trẻ em đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Cụ thể, trường hợp trên là bé gái 12 tháng tuổi (ngụ tại phường Linh Chiểu, TP Thủ Đức, TPHCM), điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng 2 từ ngày 20/11 đến ngày 28/11 với chẩn đoán nhiễm trùng huyết - viêm phổi nặng hậu sởi, có xét nghiệm sởi dương tính.

"Trường hợp tử vong này một lần nữa là lời cảnh báo về mức độ nguy hiểm mà dịch bệnh sởi có thể gây ra và sự cần thiết của việc tiêm phòng đầy đủ, đặc biệt là ở các nhóm có nguy cơ biến chứng nặng khi mắc sởi", đại diện Sở Y tế TPHCM nhận định.

Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, TPHCM ghi nhận tổng cộng hơn 2.400 ca bệnh sởi (bao gồm 686 ca ngoại trú), đã có 4 trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, số ca bệnh từ các tỉnh khác điều trị tại 4 bệnh viện trên địa bàn TPHCM gia tăng, với 574 ca, tăng hơn 29% so với trung bình 4 tuần trước.

Từ đầu năm đến nay, số ca sởi tích lũy từ các tỉnh khác là hơn 4.200 ca, bao gồm hơn 3.200 ca nội trú và đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong tại bệnh viện ở TPHCM.

Để ứng phó với dịch sởi, TPHCM tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi đơn cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tháng tuổi. Đến ngày 1/12, có 6.278 mũi tiêm (chiếm hơn 17% so với tổng số trẻ rà soát được) được thực hiện trong chiến dịch trên.

Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục rà soát và triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống sởi cho trẻ 1-10 tuổi trên địa bàn, để không bỏ sót trẻ chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đầy đủ (đến nay đa số quận, huyện báo cáo đã hoàn thành trên 100% chỉ tiêu tiêm chủng trẻ diện trên).

TPHCM vẫn tăng mạnh ca mắc sởi, thêm bé gái 12 tháng tuổi tử vong - 2

Trẻ điều trị sởi tại bệnh viện chuyên khoa Nhi ở TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Đối với các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh, ngành y tế cũng chỉ đạo tăng cường rà soát, tiến hành tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ thuộc nhóm nguy cơ (bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính…) nếu không có chống chỉ định.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, Sở Y tế TPHCM khuyến cáo phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng sởi và các bệnh khác theo đúng lịch.

Đồng thời, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết, tay chân miệng (như chú ý diệt muỗi, diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường) và tăng cường rửa tay sạch sẽ cho trẻ.

Ngoài dịch sởi, tình hình dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng tại TPHCM hiện ở mức ổn định. Trong tuần 48, tổng số ca sốt xuất huyết là 659 ca, giảm hơn 6% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm đến tuần 48 ở TPHCM là hơn 13.400 ca.

Đối với tay chân miệng, tổng số bệnh nhân ghi nhận trong tuần là 239 ca, giảm hơn 32% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm đến tuần 48 ở TPHCM là gần 16.000 ca.