1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM: Thắt chặt kiểm soát dịch sốt xuất huyết

(Dân trí) - Qua 2 đợt kiểm tra vùa qua, Ông Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhận định: “Các quận-huyện đã có nhiều cố gắng nhưng để dịch không bùng phát thì cần phải làm quyết liệt hơn với một sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị liên ngành”.

Số người mắc bệnh tiếp tục tăng cao

 

Sở Y tế TPHCM vừa báo động 15/24 quận - huyện thuộc TPHCM là những điểm nóng của dịch bệnh SXH, trong đó huyện Hoóc Môn là nặng nhất với 11/12 xã đã có nhiều ca bệnh SXH, kế tiếp là Huyện Cần Giờ, Quận Thủ Đức, Quận 8, Huyện Bình Chánh… Đặc biệt ngay trung tâm TPHCM, Phường Cầu Kho (Q.1) cũng là một ổ dịch bệnh SXH với 13 ca phát hiện trong tháng 7/2007.

 

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm y tế Dự phòng (TTYTDP) TPHCM, cho biết: “Trong tháng 7 cả nước có hơn 3.000 ca SXH, riêng TPHCM là 1.083 ca SXH, so với T7/2006 (956 ca) thì đã tăng 13,32%, trong đó tính đến đầu T8/2007 đã có 4 ca tử vong so với cả năm 2006 chỉ có 6 ca SXH tử vong”.

 

Cũng theo ông Thọ, đỉnh dịch SXH của năm 2006 là vào T8 và T9, ngoài ra ông cũng báo động thêm về căn bệnh tay-chân-miệng (TCM), cũng có chiều hướng gia tăng nguy hiểm khi đã có 4 trường hợp tử vong và có thể bùng phát  từ tháng 9 khi năm học mới bắt đầu. Ông cũng  yêu cầu các đơn vị y tế quận - huyện cần chú ý, phối hợp tốt cùng Phòng giáo dục quận - huyện để phòng chóng bệnh TCM.

 

Tổ chức Y tế thế giới cho biết bệnh SXH đang trở thành dịch bệnh trên cả thế giới và đang có chiều hướng gia tăng trong năm nay. Tại khu vực Đông Nam Á, ở Myamar chỉ tính trẻ em, đã có 8.000ca SXH với 98 ca tử vong, trong đó chỉ trong T7 có 3000 ca với 32 ca tử vong, còn Indonesia thì đến nay đã có 1.100 ca tử vong vì SXH và các nước như Thái Lan, Singarpore, Mã Lai đều gia tăng số ca mắc SXH trong thời gian gần đây. Việt Nam cũng trong tình trạng tương tự. Mặc dù đã tích cực trong việc phát hiện và phòng chống để không cho bệnh SXH bùng phát, nhưng con số trẻ mắc bệnh này ngày càng tăng đã làm cho các cơ sở y tế lúng túng.

 

Quan trọng là sự hợp tác của dân

 

Bác sĩ Thể, TTYTDP Q.1 nhìn nhận chưa tìm ra lý do tại sao số ca bệnh lại tăng, khi mà việc phòng chống cho thấy số lượng muỗi không tăng, không có ao tù nước đọng ở các công trình đang xây dựng, thậm chí gia đình của 1 bác sĩ cư ngụ tại nơi có dịch cũng đã có 2 người mắc bệnh nhưng ông cho rằng việc tuyên truyền còn yếu và quan trọng là người dân hiểu nhưng thiếu hợp tác.

 

Huyện Hoóc Môn, điểm nóng nhất của TP về căn bệnh SXH, đã có 11/12 xã có người mắc bệnh, trong 8 ngày đầu tháng 8 có đến 44 ca SXH. Ngành y tế đã Huyện nhìn nhận việc phòng chống dịch bệnh có cố gắng nhưng làm chưa tốt, nhưng một phần cũng là do môi trường sống tại địa phương có nhiều yếu tố tác động đến sự bùng phát dịch bệnh như nhà cửa cất lộn xộn, đa số người dân sống với nghề mua bán phế liệu thiếu hợp tác trong việc dọn dẹp, mương rạch không có lối thoát, người nhập cư cất nhà ngay trong khu đồng mã, môi trường sống thiếu vệ sinh….

 

Bác sĩ Hiền của TTYTDP Q.8, thừa nhận mọi khâu trong việc phòng chống dịch SXH đều rất yếu, lực lượng chuyên trách cho công tác này quá yếu và thiếu, chỉ có 4 người. Hiện nay Quận đã huy động toàn thể các ban ngành để tham gia phòng chống dịch, ngay cả Ban chỉ đạo cũng được gia tăng các thành phần có liên quan để cùng làm.

 

Trong khi đó, theo Huyện Bình Chánh, nhờ xử dụng cùng lúc 4 biện pháp phun diệt muỗi đúng kỷ thuật, kiểm tra vật chứa, thả cá bảy màu và yêu cầu người dân làm tờ cam kết, nhưng quan trọng là có được sự hợp tác của người dân cùng các ban ngành ngay tại các xã, nên dịch bệnh đã có giãm. 

 

Bác sĩ Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y Tế TP cho biết: “Không chỉ tại Việt Nam dịch bệnh SXH đang gia tăng trên toàn cầu, Việt Nam có tăng nhưng vẫn ở trong tầm kiểm soát và để có thể kiềm chế cũng như đẩy lùi dịch bệnh cần phải kiên trì”.

 

Ông cảnh báo: Đây chỉ là ở giai đoạn đầu dịch, cần phải chuẩn bị sức lực cho việc đối phó với đỉnh của dịch bệnh. Hiện nay các ca SXH ở TP đang tăng, các tỉnh miền Tây đã tăng gấp 3,4 lần so với các năm trước, do đó cần bám sát và hành động kiên quyết hơn thì mới giảm được dịch bệnh. 

 

Ngọc Thanh