1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM: Thản nhiên chủ khách dùng đá bẩn

(Dân trí) - Trữ đá cạnh nhà vệ sinh, bao đá đặt nằm la liệt ven đường, vận chuyển ngoài đường đầy khói bụi... là thực trạng đang diễn ra hàng ngày. Tuy vậy, do nhu cầu giải khát nên người dân vẫn dùng mà không biết việc sử dụng đá bẩn có thể gây ra các bệnh về tiêu hoá, thậm chí ung thư.

Đá bẩn bủa vây người dân

Do thời tiết thường xuyên nắng gắt và ngột ngạt, nước đá là một một phần không thể thiếu của người dân Sài Gòn. Hầu hết các khách ghé các quán ăn, quán cà phê dọc đường đều gọi các sản phẩm giải khát có kèm theo đá như nước mía, nước ngọt, trà đá, bia... Tuy vậy, rất ít người dân quan tâm tới những viên đá kia được sản xuất ở đâu và bảo quản thế nào, có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không?

Ghi nhận tại một quán cà phê tại quận 8 (TPHCM), mỗi ngày chủ quán đều gọi 50kg nước đá về sử dụng. Tuy vậy, khi được hỏi về nguồn gốc của loại nước đá trên, chủ quán thản nhiên trả lời: “Người ta giao thì mình lấy chớ không biết có sạch hay không. Mà đá nó đông lạnh lại rồi thì sạch chứ có gì đâu mà dơ. Tôi bán cà phê ở đây bao nhiêu năm có thấy ai uống nước đá xong chết bao giờ đâu".

Cũng theo chủ quán cà phê trên, khu vực quanh đường Âu Dương Lân, Tạ Quang Bửu (quận 8) có hàng trăm cơ sở đều đang lấy đá qua điện thoại và chưa hề xảy ra vấn đề gì về an toàn vệ sinh.

“Mấy em cứ nói đá sạch chứ tụi chị có biết đá sạch, đá tinh khiết là gì đâu. Nguyên khu vực này từ hàng rong đến nhà hàng đều lấy đá từ cơ sở sản xuất của ông Linh (người giao đá). Ông ấy cũng giao đá mấy chục năm rồi", chị chủ quán cho hay.

TPHCM: Thản nhiên chủ khách dùng đá bẩn - 1
TPHCM: Thản nhiên chủ khách dùng đá bẩn - 2
Đá được đặt cạnh nhà vệ sinh, ven đường không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đá được đặt cạnh nhà vệ sinh, ven đường không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các nhân viên giao đá không hề bao bọc dù bụi đường khá nhiều.
Các nhân viên giao đá không hề bao bọc dù bụi đường khá nhiều.
Cơ sở làm đá trên nền đất khá nhiều bùn đất.
Cơ sở làm đá trên nền đất khá nhiều bùn đất.
Cơ sở cung cấp đá trong chợ Bến Thành được đặt cạnh cửa hàng thịt, cá nên rất tanh hôi.
Cơ sở cung cấp đá trong chợ Bến Thành được đặt cạnh cửa hàng thịt, cá nên rất tanh hôi.

Khảo sát tại cơ sở sản xuất đá tại khu vực này, phóng viên nhận thấy đá được làm đặt ngay trên nền đất. Ở phía ngoài, đá được đặt ngay trên vỉa hè và bụi bặm bám đầy lên đá.

Khảo sát trên địa bàn quận 3, phóng viên ghi nhận nhiều nơi trữ đá ngay ven đường. Mỗi khi có khách, nhân viên lại bỏ đá lên những xe cà tàng rồi lao ra đường mà không hề được bao bọc. Thậm chí, một số cơ sở còn đặt trữ đá ngay cạnh nhà vệ sinh công cộng nhìn rất mất vệ sinh.

"Cũng biết đá này không sạch cho lắm nhưng giờ cũng không biết mua đá sạch ở đâu. Thỉnh thoảng chỉ thấy khách trao đổi là đá có nhiều đất, cát hoặc một vài dị vật thì chúng tôi thay đá khác để khách uống", chị U. - chủ quán cà phê trên đường Lý Chính Thắng chia sẻ.

Ghi nhận tại chợ Bến Thành, tại đây có 2 cơ sở cung cấp đá cho toàn bộ các tiểu thương trong chợ. Mỗi ngày hai cơ sở trên cung cấp cho các quán ăn, quán cà phê trong chợ hàng trăm kg nước đá các loại. Tuy nhiên, 2 cơ sở đá trên lại đặt tại quầy thịt cá, rau củ nồng nặc mùi tanh hôi. Chưa dừng lại ở đó, nhân viên ở đây dùng các thùng khá dơ để đựng đá. Quá trình vận chuyển đá đến các sạp cũng không được bao bọc nên bụi bặm và nước dơ bám đầy vào đá.

Có thể gây ung thư

Có thể nói, việc sử dụng nước đá đã trở thành thói quen của hầu hết người dân TP. Tuy nhiên, rất ít người phân biệt được đâu là đá sạch hay đá bẩn. Thậm chí, nhiều người còn không biết đá như thế nào là đá bẩn.

Anh Huỳnh (ngụ Tân Bình) chia sẻ: “Ai cũng muốn dùng nước đá sạch nhưng giờ quán người ta bán sao thì mình dùng vậy. Lúc đang khát thì chỉ thèm ly nước đá thôi chứ quan trọng gì chuyện đá sạch hay dơ. Trước giờ thỉnh thoảng cũng hay bị đau họng, nhiều người nói do uống phải đá dơ nhưng do nhu cầu nên vẫn phải chấp nhận thôi".

Không chỉ riêng anh Huỳnh, nhiều người còn nắm rõ kiến thức về đá sạch nhưng vẫn phải "cắn răng" sử dụng đá bẩn vì không còn lựa chọn nào khác khi hàng quán hầu như đều sử dụng loại đá này.

Chủ quán cà phê khẳng định đá này là bẩn nhưng vẫn sử dụng.
Chủ quán cà phê khẳng định đá này là bẩn nhưng vẫn sử dụng.
Nhiều người dùng vẫn biết đang sử dụng đá bẩn nhưng không có lựa chọn khác.
Nhiều người dùng vẫn biết đang sử dụng đá bẩn nhưng không có lựa chọn khác.
Việc thường xuyên sử dụng đá bẩn có thể gây rối loạn tiêu hoá, ngộ độc thực phẩm, thậm chí ung thư.
Việc thường xuyên sử dụng đá bẩn có thể gây rối loạn tiêu hoá, ngộ độc thực phẩm, thậm chí ung thư.
1 nơi trữ đá nhếch nhác trong chợ
1 nơi trữ đá nhếch nhác trong chợ

Theo các chuyên gia, nước đá nếu được xử lý không đúng quy trình, vận chuyển và bảo quản không đảm bảo vệ sinh có thể là nguy cơ dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm về đường tiêu hóa, thậm chí là ung thư. Hiện, tại TPHCM có khoảng 80% cơ sở sản xuất nước đá chưa đảm bảo tiêu chuẩn về Vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho biết: “Khi sử dụng nước đá bẩn có thể gây ra các bệnh tiêu hoá, ngộ độc thực phẩm, thậm chí là ung thư. Theo quy định, để làm ra đá sạch thì cần phải đảm bảo 3 yếu tố từ nguồn nước làm đá, máy móc sản xuất và việc đóng bao bì phân phối. Tất cả đều phải có quy chuẩn nhất định. Nguồn nước phải được kiểm nghiệm, máy móc hiện đại, bao bì để đá phải là bao kín PE, trong suốt quá trình vận chuyển đến các điểm bán phải đảm bảo không thủng vỡ và bảo quản lạnh. Chúng tôi cũng thường xuyên thanh kiểm tra nhưng chưa thể triệt để".

Xuân Hinh