TPHCM: Quận huyện “than khó” trong chống dịch Zika

(Dân trí) - Dịch Zika đã bùng phát trên diện rộng, số ca bệnh tiếp tục gia tăng. Dù thành phố quyết liệt chỉ đạo phòng chống, nhưng chính quyền cơ sở vẫn còn thờ ơ. Bên cạnh đó, nhiều quận huyện “than khó” do thiếu nhân sự, thiếu kinh phí, các điểm nguy cơ phát sinh muỗi quá nhiều.

Dịch bệnh tiếp tục gia tăng

Trước tình hình dịch Zika tiếp tục có những diễn biến theo chiều hướng nguy hiểm, ngày 14/11, UBND thành phố đã triệu tập lãnh đạo các sở ngành thuộc Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và các các sở, ngành, quận, huyện có liên quan.

Báo cáo tình hình dịch bệnh tuần qua, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết, trên địa bàn tiếp tục ghi nhận thêm 3 trường hợp mới mặc Zika. Các trường hợp mới mắc gồm 1 ca thuộc phường 25 quận Bình Thạnh và 2 ca cư ngụ tại phường Cát Lái và Bình Khánh, quận 2. Tổng số người mắc bệnh trên toàn thành đã lên tới 38 ca, rải rác ở 13/24 quận, huyện.

Phế liệu ngổn ngang đang tạo điều kiện cho dịch truyền nhiễm từ muỗi hoành hành
Phế liệu ngổn ngang đang tạo điều kiện cho dịch truyền nhiễm từ muỗi hoành hành

Cũng theo BS Hưng, tuần qua có 1 thai phụ trước đó được xác định mắc Zika đã sinh nở. May mắn cho cả mẹ và bé khi cuộc vượt cạn diễn ra thuận lợi, kết quả xét nghiệm sau sinh cho thấy, cháu bé không dương tính với Zika, không mắc tật đầu nhỏ. Tuy nhiên, qua thực tế giám sát công tác phòng chống dịch, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng lo lắng vì một số địa phương vẫn chưa tích cực vào cuộc, có quận huyện làm vệ sinh diệt muỗi, lăng quăng thường xuyên nhưng có quận, huyện chưa thực hiện triệt để.

Thực tế khảo sát nhiều khu vực ở quận 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Phú, quận 9, vẫn còn nhiều vật, dụng cụ chứa nước, đọng nước, có lăng quăng… Đặc biệt, tại quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức có nhiều công trình xây dựng gây ứ đọng nước, mất vệ sinh tạo điều kiện phát sinh lăng quăng, muỗi.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng, cho rằng qua giám sát, hầu hết các quận, huyện chủ yếu khoanh vùng dập dịch trong bán kính khuyến cáo 200m có ổ dịch. Song vùng nằm ngoài ổ dịch vẫn còn nhiều vật chứa nước, đọng nước như ở quận 5, Bình Thạnh, Hóc Môn… Các quận, huyện chưa thuyết phục được những hộ buôn bán hàng ăn, bán quần áo hợp tác phun hóa chất diệt lăng quăng, muỗi, cũng như chưa dám xử phạt những trường hợp không chấp hành, một vài quận, huyện làm chưa tốt, đùn đẩy trách nhiệm.

Quận huyện “than khó” khi phòng chống dịch

Giải trình cho thực trạng công tác phòng chống dịch Zika và sốt xuất huyết thời gian qua không đạt kết quả như mong muốn, Ông Trần Văn Phúc, Phó chủ tịch UBND quân Tân Phú (địa bàn có 3 người mắc Zika) cho hay, sau chỉ đạo của thành phố, quận đã họp quán triệt đến tận các phường, khu phố, giao trách nhiệm cho Trung tâm Y tế dự phòng làm đầu mối cùng các trạm y tế nắm bắt tình hình dịch, triển khai phòng chống. Tuy nhiên, nỗ lực chống dịch đang đối mặt với rất nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị, thiếu kinh phí.

Để giải quyết tồn tại trên, quận đã đề xuất bổ sung thêm nhân sự, thiết bị chống dịch cho ngành y tế, đồng thời trích 170 triệu đồng mua hóa chất, máy phun hóa chất diệt muỗi.

Những công trình bỏ hoang trở thành đại bản doanh của muỗi
Những công trình bỏ hoang trở thành "đại bản doanh" của muỗi

Ngoài khó khăn chung các quận huyện đang gặp phải nói trên, một số quận huyện đang gặp những khó khăn riêng nhưng rất nan giải. Cụ thể, tại quận 2, ông Nguyễn Nghĩa Hiệp, Phó Chủ tịch UBND quận, cho biết hiện trên địa bàn có trên 200 dự án lớn nhỏ. Toàn quận như một đại công trường, dự án đang thi công bừa bộn, thiếu ngăn nắp, gây ứ đọng nước, có dự án bỏ hoang, phát sinh lăng quăng, muỗi.

Ngoài ra, tại các khu dân cư, đô thị nhiều biệt thự nhưng chủ nhà không cắt cỏ, vệ sinh, các công trình nhà ở tư nhân tấp nập xây dựng, tập kết vật liệu xây dựng là môi trường phát sinh lăng quăng, muỗi.

Là địa bàn có số người mắc do Zika cao nhất thành phố (8 ca), bà Thái Thị Hồng Nga, Phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, cũng nêu ra nhiều khó khăn bỏi địa bàn có nhiều kênh rạch, cỏ mọc um tùm. Tuy nhiên, người dân chưa ý thức được trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch khi cố tình vứt rác bừa bãi, đổ nước thải ra kênh rạch, chưa tích cực hợp tác chống dịch với chính quyền địa phương.

Trước tình hình trên, bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND thành phố bày tỏ thái độ chưa hài lòng với một số sở, ngành, địa phương do thiếu quyết liệt trong công tác phòng chống dịch. “Sở Tài nguyên Môi trường đã được chỉ đạo rà soát các dự án còn bỏ hoang, dang dở gây phát sinh lăng quăng, muỗi từ 2 tuần qua nhưng đến nay sở này vẫn chờ các địa phương báo cáo lên, rồi tổng hợp lại”.

Phó chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các ban ngành liên quan phải đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền để tạo được sự hợp tác, đồng thuận của người dân. Nói ra rả trên loa, đài mà không hướng dẫn bằng trực quan sinh động thì dân chưa hiểu, chưa làm theo. Chính quyền các quận, huyện, các Trung tâm Y tế Dự phòng phải xắn tay chống dịch, hướng dẫn người dân bằng việc làm cụ thể, như thả cá bảy màu, úp lu, úp chậu chứa nước, thay nước bình bông… và các hoạt động khác cho phù hợp với tình hình thực tế với mục tiêu khống chế, đầy lùi dịch bệnh.

Vân Sơn

Dòng sự kiện: Zika đã vào Việt Nam