TPHCM: Phát hiện cá nhiễm chất cấm

Toàn bộ cá nhiễm chất kháng sinh đã bị cấm sử dụng từ năm 2010 phát hiện tại chợ đầu mối thủy sản Bình Điền (TPHCM) đã được bán ra thị trường.

Ngày 4/4, trong văn bản trả lời Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (QLCL&BVNLTS) TPHCM, Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp (địa phương có nhiều thương lái cung cấp cá vừa phát hiện nhiễm chất cấm cho chợ đầu mối thủy sản Bình Điền) cho biết đơn vị này vẫn chưa thể truy xuất được nguồn gốc cá ở các hộ nuôi cũng như nơi cung cấp và sản xuất hoạt chất Trifluralin.

 

Nhiều mẫu cá nhiễm chất cấm

 

Trước đó, ngày 12/3, Chi cục QLCL&BVNLTS TPHCM có văn bản đề nghị Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp và Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang truy xuất nguồn gốc và xử lý các trường hợp sử dụng chất cấm Trifluralin trong nuôi trồng thủy sản.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian trước, trong và sau tết Nguyên đán năm 2012, Chi cục QLCL&BVNLTS TP.HCM đã lấy nhiều mẫu cá ở chợ đầu mối Bình Điền để phân tích dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng theo quy định của Bộ NN&PTNT. Kết quả, phát hiện nhiều mẫu cá diêu hồng (cá sống) bị nhiễm chất Trifluralin. Đây là chất kháng sinh đã bị cấm sử dụng từ năm 2010.

 

Tiểu thương chợ đầu mối Bình Điền cho biết số cá bị phát hiện nhiễm chất cấm thuộc các lô hàng do các thương lái ở miền Tây cung cấp với số lượng rất lớn. Từ thông tin này, Chi cục QLCL&BVNLTS TPHCM xác định được danh tính bốn thương lái đã cung cấp những lô cá nói trên. Trong đó, có ba thương lái ở Đồng Tháp và một người ở Tiền Giang.

 
TPHCM: Phát hiện cá nhiễm chất cấm
Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp chưa truy xuất được nguồn gốc cá diêu hồng nhiễm chất cấm ở địa phương này. Trong ảnh: Một điểm nuôi cá diêu hồng trên sông Tiền, Đồng Tháp.

 

Chưa ra nguồn gốc, cá đã bán sạch

 

Ngay sau khi có thông tin về cá diêu hồng nhiễm chất cấm, chúng tôi đã tìm cách tiếp cận những thương lái cung cấp cá cho chợ đầu mối Bình Điền và nhiều người nuôi cá diêu hồng ở Đồng Tháp, Tiền Giang. Tuy nhiên, việc truy tìm chứng cứ về việc sử dụng chất cấm khó như “mò kim đáy bể” vì thông tin về vụ việc đã đến tai hầu hết những người nuôi cá ở hai địa phương này.

 

“Sợ bị mất mối bán sỉ ở chợ Bình Điền, tôi cũng rất muốn tìm ra những người nào đã sử dụng chất cấm để không lấy cá của họ nữa. Nhưng việc này chẳng có cách gì có thể phát hiện được”, ông Nguyễn VV (ngụ tại ấp 3, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp, thương lái cung cấp cá diêu hồng bị phát hiện nhiễm chất cấm) phân bua. Ông V. cho biết thêm, sau khi TPHCM phát hiện chất cấm trong cá diêu hồng, Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cũng có đến thông báo về việc này.

 

Những thương lái khác cho biết họ cũng nhận được thông báo và đề nghị cung cấp thông tin về những hộ nuôi cá có sử dụng chất cấm. “Trên sông Tiền có hơn 300 hộ nuôi cá diêu hồng. Chúng tôi chỉ đi thu mua nên không thể nào biết được số cá nhiễm chất cấm là của người nào. Nhiều năm nay, lúc thu mua cá, chúng tôi chẳng thấy có cơ quan chức năng nào kiểm tra, lấy mẫu… Bây giờ, khi TPHCM phát hiện ra chất cấm họ mới truy tìm thì làm sao mà biết được”, một thương lái ở Đồng Tháp nói.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục QLCL&BVNLTS TPHCM, cho biết đến nay Chi cục chỉ mới nhận được văn bản trả lời của tỉnh Đồng Tháp. Song trong công văn phản hồi, Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho rằng do thời gian mua bán cá đã xảy ra quá lâu, thương lái không có sổ sách ghi chép nên chưa truy xuất được nguồn gốc hộ nuôi. Về những lô cá diêu hồng bị phát hiện nhiễm chất cấm ở chợ đầu mối thủy sản Bình Điền, ông Vĩnh cho biết do thời gian phân tích mẫu khá lâu, Chi cục lại không có quyền giữ hàng khi chưa có chứng cứ nên toàn bộ số cá này đã được… bán ra thị trường ngay trong khoảng thời gian lấy mẫu.

 

Trifluralin rất độc

 

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, Trifluralin là một loại thuốc diệt cỏ tiền nảy mầm, được đăng ký sử dụng lần đầu tiên ở Mỹ vào năm 1963. Trifluralin rất độc hại đối với sức khỏe của người và động vật. Dư lượng của chúng trong môi trường cũng có thể ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học. Vì vậy, nhiều nước trên thế giới đã cấm sử dụng loại hóa chất này trong sản xuất nông nghiệp.

 

Tại Việt Nam, ngày 2/4/2010, trong Thông tư bổ sung, sửa đổi Thông tư 15/2009 về danh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng của Bộ NN&PTNT cũng đã bổ sung hoạt chất Trifluralin vào danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản. Trước khi bị cấm, Trifluralin thường được dùng làm thuốc kháng sinh trị bệnh cho cá.

Theo Trung Thanh - Hà Nguyễn

Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm