1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM nắng nóng đến 36 độ C: Coi chừng gặp họa vì say nắng

Hoàng Lê

(Dân trí) - Bác sĩ cảnh báo, ngoài mệt mỏi, hoa mắt, nhức đầu, tình trạng say nắng, say nóng nếu không xử trí kịp thời có thể để lại các di chứng thần kinh không hồi phục, thậm chí tử vong.

Mới đây, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ đã phát lên cảnh báo nắng nóng tại khu vực TPHCM.

Theo đó, trong ngày 23/4, nắng nóng đã xảy ra diện rộng ở khu vực TPHCM. Nhiệt độ cao nhất đo được đến 36 độ C tại Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), 35 độ C tại huyện Nhà Bè. Độ ẩm thấp nhất dao động từ 42-51%.

Theo dự báo, trong 24-48 giờ tới, nắng nóng tiếp tục xảy ra diện rộng ở khu vực TPHCM, nhiệt độ cao nhất vào khoảng 35-36 độ C (bao gồm cả khu vực trung tâm, phía Nam, phía Bắc, phía Tây, TP Thủ Đức), có nơi trên 36 độ C. Thời gian nắng nóng trong ngày từ 12-16h.

TPHCM nắng nóng đến 36 độ C: Coi chừng gặp họa vì say nắng - 1

TPHCM đang nắng nóng trên diện rộng (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo, từ 72-120 giờ tới, nắng nóng tiếp tục xảy ra diện rộng ở khu vực TPHCM. Đến khoảng ngày 27-28/4, nắng nóng mới có xu hướng dịu dần.

Do ảnh hưởng của nắng nóng, nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực đông dân cư có xu hướng tăng cao. Ngoài ra, nắng nóng còn gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi làm việc ngoài trời.

Bác sĩ Cao Văn Tuân, chuyên khoa Nội tổng hợp, làm việc tại một cơ sở y tế ở TPHCM cho biết, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng quá sớm trong mùa hè năm nay dễ dẫn đến tình trạng say nắng, say nóng cho người dân.

Theo bác sĩ, say nắng, say nóng là hiện tượng hay gặp trong mùa hè khi đi lại ngoài đường hoặc làm việc ngoài trời quá lâu. Ngoài biểu hiện mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu… tình trạng trên nếu không xử trí kịp thời còn có thể gây đột quỵ, để lại các di chứng thần kinh không hồi phục hoặc tử vong. Một số trường hợp có thể có tụ máu dưới màng cứng và trong não.

TPHCM nắng nóng đến 36 độ C: Coi chừng gặp họa vì say nắng - 2

Làm việc, đi ngoài trời nắng quá lâu có thể dẫn đến say nóng (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Bác sĩ Tuân phân tích, khi say nắng, say nóng, người bệnh sẽ có những triệu chứng như:

- Ngất xỉu, huyết áp tụt do mất nước và chất điện giải trầm trọng.

- Da ửng đỏ, mắt trũng, nôn nhiều, chân tay co rút, thở nhanh, nông.

- Người bệnh thấy nhức đầu dữ dội và có thể xuất hiện co giật, mất ý thức, ảo giác, nói khó. Nặng hơn, có thể dẫn đến hôn mê.

- Người bệnh có thể mất nước toàn thể kèm theo rối loạn điều hòa thân nhiệt, rối loạn vận mạch.

Để sơ cứu người bị say nắng, say nóng, cần nhanh chóng chuyển nạn nhân đến nơi thoáng mát, cởi bớt và nới lỏng quần áo, cởi tất chân, bao tay. Kế đến, chườm nước mát vào nách, bẹn, trán, gáy để làm mát cơ thể, đưa nhiệt độ của cơ thể nạn nhân trở về bình thường, nhằm ngăn ngừa hoặc giảm tác hại cho bộ não và các cơ quan quan trọng.

TPHCM nắng nóng đến 36 độ C: Coi chừng gặp họa vì say nắng - 3

Người dân khi ra đường giữa thời tiết nắng nóng cần mặc áo khoác, đeo khẩu trang, thoa kem chống nắng (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Nếu bệnh nhẹ, nạn nhân đã tỉnh táo dần, có thể cho uống các loại nước mát như nước ép dưa hấu, nước cam, chanh. Nếu có oresol (thuốc bù nước và điện giải), hòa tan loại 5,63gram/gói vào 200ml nước cho nạn nhân uống. Nếu là trẻ em, cho uống mỗi lần 1/4 cốc nước.

Nếu nạn nhân hôn mê, không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng cao, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.

Để phòng say nắng, say nóng, bác sĩ khuyến cáo người dân, mùa hè cần hạn chế rời khỏi nhà từ 10-16h. Với trẻ em và người cao tuổi, trong những ngày nắng nóng cần hạn chế đến mức tối đa việc ra nắng.

Nếu là công việc, không nên làm việc ngoài trời với thời gian quá lâu và luôn phải trang bị đầy đủ đồ chống nắng, bao gồm: Quần áo dài che kín thân thể, áo quần sáng màu để giảm hấp thụ nắng nóng, mũ, nón rộng vành, kính râm…

Cần mang theo đủ nước uống khi ra ngoài trời để bù nước kịp thời. Nước uống tốt nhất nên có pha thêm ít muối ăn, hoặc có thể pha oresol uống để bù nước, điện giải bị mất theo mồ hôi.