TPHCM: Một tháng có hàng chục ca bỏng "nát" cơ thể vì dùng cồn nướng mực
(Dân trí) - Chỉ trong thời gian ngắn, một bệnh viện tại TPHCM phải cấp cứu, điều trị cho hàng loạt người bỏng nặng, bị lửa làm biến dạng cơ thể vì thói quen dùng cồn nướng mực.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Lê Xuân Giang, khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, chỉ tính từ tháng 1, khoa đã tiếp nhận đến 17 ca bỏng nặng vì lửa cồn. Trong đó, hầu hết là các trường hợp gặp nạn khi dùng cồn nướng mực.
Riêng thời điểm này, có 3 bệnh nhân đang điều trị dài ngày tại khoa, trong tình trạng bỏng đến biến dạng cơ thể.
Trường hợp thứ nhất là anh T.V.N. (32 tuổi, quê Kiên Giang) được bệnh viện tuyến tỉnh chuyển đến ngày 13/2 trong tình trạng bỏng lửa cồn 70% rải rác toàn thân, 5% độ sâu.
Còn trường hợp thứ hai là chị T.T.K.H. (31 tuổi, vợ anh N.) nhập viện với chẩn đoán bỏng lửa cồn diện tích 27% vùng cổ, thân và tứ chi, 5% độ sâu.
Theo lời kể của người chồng, tối 12/2 anh dùng chai cồn lỏng sát khuẩn (dung tích 3 lít) đổ ra chảo để nướng mực khô trong nhà trọ đóng kín, vì con gái 6 tuổi đòi ăn. Khi đang nướng, người đàn ông vô tình làm đổ cồn, gây phựt cháy lan khắp nhà và làm cha con anh N. bỏng trực diện. Nghe tiếng con la hét, người mẹ lao ra cứu con gái cũng bị bỏng.
Vợ chồng anh N. được sơ cứu ở bệnh viện địa phương trước khi chuyển lên tuyến trên ở TPHCM để điều trị tiếp. Riêng con gái 6 tuổi của hai người đã tử vong sau 4 ngày điều trị.
Một hoàn cảnh khác là anh S. (31 tuổi, quê Đồng Nai). Dù đã nằm điều trị gần một tháng qua nhưng anh vẫn còn băng bó khắp người, cơ thể bị các vết bỏng giày vò đau đớn.
Chia sẻ với phóng viên, bệnh nhân khó nhọc cho biết, trước đó vào mùng 5 Tết Nguyên đán, anh lấy đĩa đổ cồn lỏng vào để nướng mực nhậu cùng gia đình. Khi thấy cồn trên đĩa sắp hết, anh trực tiếp lấy chai cồn châm vào thì bị lửa phựt cháy lên người. Thấy vậy, cha anh S. đã lấy nước tạt lên người con với hy vọng dập lửa, nhưng ngược lại càng làm cồn cháy dữ dội hơn.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, S. được xác định bị bỏng 31% diện tích cơ thể, có bỏng hô hấp. Đến nay sau nhiều lần cắt lọc hoại tử, chăm sóc tích cực, S. đã dần hồi phục và dự kiến có thể xuất viện trong 1-2 tuần nữa nếu không có gì thay đổi.
Theo bác sĩ Giang, trong dịp Tết, người dân thường dùng cồn để nấu nướng thức ăn, đặc biệt là mực khô, vì nhiều người cho rằng dùng cách này mực sẽ thơm hơn.
Nhiều trường hợp đốt lửa cồn trong không gian kín và hẹp, nên dễ xảy ra tai nạn và khó thoát thân khi có cháy nổ.
"Hầu hết các trường hợp gặp tai nạn thường xuất phát từ việc người dân nhìn vào bếp tưởng đã cháy hết, nên có thói quen châm thêm cồn trực tiếp. Nhưng khi lửa vẫn còn cháy sẽ khiến bình cồn cầm trên tay bị cháy, đổ ra ngoài và phựt lên người nạn nhân" - bác sĩ Giang phân tích.
Do tính chất bay hơi, sinh nhiệt nhiều, cồn khi bén vào người gây bỏng và tổn thương da diện rộng. Nếu sơ cứu không đúng cách, nạn nhân sẽ chuyển từ bỏng nông thành sâu nhanh chóng, khiến cơ thể, sức khỏe bị ảnh hưởng nặng hơn.
Vì vậy, việc đầu tiên cần làm là đưa bệnh nhân ra khỏi vùng nguy hiểm, sau đó làm nguội vết thương từng phần bằng nước sạch. Kế đến, cần dùng băng gạc, quần áo sạch để che đậy, tránh gây nhiễm khuẩn vết thương cho bệnh nhân. Cuối cùng, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để điều trị.
Bác sĩ khuyến cáo, người dân cần cẩn trọng, tránh nấu nướng trong phòng kín mà phải có không gian thoáng, để khi xảy ra tai nạn có thể dễ thoát thân. Không nên tích trữ dung môi làm nhiên liệu (xăng, cồn) trong nhà, vị trí gần xe cộ. Cần sử dụng các loại bếp an toàn (như bếp từ, bếp điện) và không dùng cồn đổ ra ngoài để nấu nướng tự phát.