TPHCM: Lưu hành cùng lúc hai chủng virus siêu lây nhiễm của Anh và Ấn Độ
(Dân trí) - Các nhà khoa học đã có kết quả giải mã nhanh bộ gen SARS-CoV-2 trong chuỗi lây nhiễm xuất hiện gần đây trên địa bàn TPHCM và xác định do biến chủng Ấn Độ và biến chủng Anh gây nên.
Nhóm nghiên cứu Covid-19 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới và Đơn vị Nghiên cứu Lâm Sàng Đại Học Oxford đã tiến hành giải mã nhanh bộ gen của SARS-CoV-2 từ nữ bệnh nhân BN4583 cư ngụ tại Quận 7. Bệnh nhân này có liên quan đến BN4514 cư trú tại TP Thủ Đức.
Đây là chùm ca lây nhiễm tại cộng đồng ghi nhận hôm 18/5. Kết quả giải mã gene cho thấy, BN4583 trú tại Quận 7 nhiễm biến chủng B.1.617.2 của Ấn Độ.
Về BN4780 liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại Quận 3 ghi nhận hôm 20/5, giải mã bộ gen virus cho kết quả nhiễm biến chủng B.1.1.7 của Anh.
Kết hợp kết quả giải mã gen với thông tin dịch tễ có thể khẳng định hai bệnh nhân BN4583 và BN4514 có cùng một nguồn lây do biến chủng B.1.617.2 (biến chủng Ấn Độ).
BN4780 nhiễm biến chủng B.1.1.7, đây là biến chủng bệnh tại Đà Nẵng và Hà Nam.
Hai chuỗi lây nhiễm này do hai biến chủng khác nhau gây bệnh. Đây là lần đầu tiên TPHCM ghi nhận sự lây nhiễm trong cộng đồng đồng thời của cả hai biến chủng được cho là có khả năng lây lan nhanh.
Được biết nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp giải mã gen bằng kỹ thuật Illumina MiSeq và MinION. Phần mềm lắp ghép bộ gen Genious, định danh biến chủng bằng phần mềm Pangolin, tìm đột biến bằng phần mềm COV-GLUE.
Kết quả thu nhận được hai bộ gen SARS-CoV-2 từ 2 mẫu RNA đưa vào phân tích. Kết quả định danh bằng phần mềm Pangolin cho thấy, mẫu từ BN4583 là B.1.617.2, mẫu từ BN4780: B.1.1.7.
Kết quả xác định đột biến bằng COV-GLUE cho thấy các bộ gen thu nhận chứa các đột biến tiêu biểu của biến chủng B.1.1.7 và biến chủng B.1.617.2 tương ứng.