1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM lập trung tâm mua sắm tập trung y tế: Có lo "vỡ trận"?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo chuyên gia y tế, nếu Trung tâm mua sắm tập trung ở TPHCM thực hiện đồng loạt với tất cả thiết bị y tế ngay khi thành lập, các công ty có thể tìm cách "bất hợp tác" để đẩy mọi thứ trở lại như cũ.

Mới đây, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã ký văn bản đề xuất thành lập Trung tâm mua sắm tập trung thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, trực thuộc UBND TPHCM. Đề xuất này được dư luận đặc biệt chú ý, bởi trước đó trong giai đoạn 2013-2017, địa phương cũng từng có Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công của ngành Y tế, nhưng sau đó đã giải thể.

Có thể "vỡ trận" nếu mua sắm tập trung mọi thứ

Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề trên, PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, chính sách mua sắm tập trung là phù hợp, đứng trên phương diện thông lệ quốc tế và từ thực tiễn hoạt động mua sắm của các bệnh viện.

Theo PGS Dũng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra nhiều nguyên tắc chung về việc mua sắm thuốc men, trang thiết bị y tế. Trong đó, có tiêu chí người quyết định mua sắm phải độc lập với người đánh giá chất lượng thuốc, người trực tiếp mua sắm, người quản lý tài chính… Nếu đấu thầu mua sắm ở quy mô bệnh viện sẽ khó độc lập trong từng khâu, nên đòi hỏi phải thông qua đấu thầu mua sắm tập trung.

TPHCM lập trung tâm mua sắm tập trung y tế: Có lo vỡ trận? - 1

Máy theo dõi viêm gan tại bệnh viện ở TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Tại Việt Nam, trong các văn bản của Nhà nước cũng có hướng dẫn, việc mua sắm tập trung áp dụng cho các trang thiết bị yêu cầu đồng bộ hiện đại, số lượng lớn, giá cao. Lợi ích của chính sách mua sắm tập trung dễ nhìn thấy, như: Đảm bảo minh bạch công tác đấu thầu, hạn chế sai sót tiêu cực khi các đơn vị tự mua sắm, tiết kiệm chi phí… 

PGS Dũng cho rằng, thời gian trước ngành y tế TPHCM còn làm chưa tốt việc đấu thầu tập trung thuốc, trang thiết bị y tế vì nhiều lý do, bao gồm việc ảnh hưởng đến quyền lợi của các công ty cung ứng.

Cụ thể, khi mua tập trung thì khối lượng trang thiết bị lớn và bên mua có quyền trả giá, thương lượng, cũng như việc giám sát sẽ chặt chẽ hơn. Trong khi đó, nếu tham gia thầu cho từng bệnh viện khác nhau, với nhiều chính sách khác nhau sẽ dễ bán và có lợi hơn về giá cả. Chính vì thế, các công ty không thích việc đấu thầu tập trung có thể tìm cách không hợp tác.

Thêm vào đó, trước đây năng lực quản lý và sự chuẩn bị của TPHCM chưa đầy đủ, nhưng lại đấu thầu tập trung với quy mô lớn, nên không khả thi, không hiệu quả. Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, trong khoảng thời gian từ 2014-2016, các gói thầu mua sắm thuốc và vật tư y tế đều thấp hơn nhiều so với kế hoạch yêu cầu (tổng cộng chỉ khoảng 50% số mặt hàng trúng thầu). Đến năm 2017, TPHCM đã giải thể trung tâm mua sắm tập trung.

PGS Dũng cảnh báo, nếu thực hiện mua sắm tập trung đồng loạt, quy mô lớn ngay từ đầu sẽ dễ thất bại, bởi khó đáp ứng đủ chuyên môn, nhân lực thiếu thốn, chưa có kinh nghiệm…

Mặc khác, các công ty cung ứng muốn bãi bỏ chuyện mua sắm tập trung sẽ né tránh bằng cách chủ động nộp hồ sơ thầu không đạt điều kiện. Mục đích cuối cùng là để đưa việc đấu thầu thuốc, thiết bị điều trị trả về cho bệnh viện, vì các hoạt động khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế không thể cùng một lúc ngừng lại.

TPHCM lập trung tâm mua sắm tập trung y tế: Có lo vỡ trận? - 2

Việc mua sắm tập trung có thể bị các công ty không hợp tác tích cực vì quyền lợi ảnh hưởng (Ảnh: Hoàng Lê).

Không để triệt tiêu kinh tế thị trường

Từ những lý do trên, chuyên gia trong lĩnh vực y tế công cộng đề nghị, nếu TPHCM mua sắm tập trung nên bắt đầu từ những thứ thiết yếu nhất, như thiết bị, máy móc điều trị chất lượng cao, thuốc biệt dược. Vì biệt dược hiện nay chỉ có một số nhà cung cấp nhất định, nếu mua tập trung cũng không xảy ra nguy cơ "triệt tiêu" các công ty dược nhỏ lẻ.

Với những thuốc generic (thuốc sao chép công thức), thuốc trị bệnh thông thường, nhu cầu mua sắm của các bệnh viện không lớn và khác nhau nên có thể dời sang thực hiện mua sắm tập trung trong thời gian sau... còn vật tư y tế nên để sau cùng.

"Chúng ta đi từng bước nhỏ nhưng chặt chẽ và kiên quyết không lùi, thì các công ty cung ứng sẽ hợp tác tích cực" - chuyên gia nhận định.

Dù ủng hộ việc đấu thầu tập trung, PGS Dũng cho rằng ngành y tế cần thực hiện làm sao không cản trở các quy tắc chung của kinh tế thị trường và sự năng động sáng tạo của bệnh viện.

Ví dụ, khi đã xác định giá và chất lượng thuốc nhưng nếu bệnh viện có thể tìm nguồn mua được thuốc bằng hoặc dưới 90% giá thầu, thì phải cho họ quyền mua mà không cần thông qua đấu thầu. Nếu có quy chế rõ ràng như vậy sẽ vừa giúp giảm chi phí, vừa không tạo ra độc quyền mà sẽ là sự cạnh tranh giữa bệnh viện và đấu thầu tập trung.

TPHCM lập trung tâm mua sắm tập trung y tế: Có lo vỡ trận? - 3

Theo chuyên gia, việc mua sắm tập trung cần thực hiện từng bước, làm sao để không triệt tiêu kinh tế thị trường (Ảnh: Hoàng Lê).

Chuyên gia cũng nhận định, khi Sở Y tế TPHCM đề xuất lập lại mua sắm tập trung là đã lường trước các tình huống có thể xảy ra, sau bài học giải thể cũ. Bản thân các thành viên trong ban lãnh đạo Sở Y tế cũng từng là Giám đốc các bệnh viện lớn, do đó sẽ biết được các điểm mạnh và yếu của vấn đề đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế.

Thời gian qua, đã có nhiều trường hợp chịu trách nhiệm trước pháp luật vì thực hiện sai quy định đấu thầu, khiến các bệnh viện cũng mang tâm lý lo sợ, "rén" trong vấn đề mua sắm. Khi chuyển về mua sắm tập trung, tức là Sở Y tế nhận trách nhiệm về mình, nên cần đảm bảo cẩn thận, kỹ lưỡng.

Sở Y tế: Những điều cần đảm bảo khi lập Trung tâm mua sắm tập trung

Trong văn bản đề xuất thành lập Trung tâm mua sắm tập trung, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, mỗi năm giá trị mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư y tế toàn địa phương ước tính khoảng 14.000 tỷ đồng. Tuy nhiên năng lực mua sắm của các đơn vị y tế nhìn chung còn nhiều hạn chế, giá trúng thầu hàng hóa mỗi nơi một khác.

Công tác mua sắm đòi hỏi tính chuyên môn cao nhưng không có cơ quan tin cậy hỗ trợ về đấu thầu, thẩm định giá. Quy định và quy trình rất nhiều nhưng chưa thật sự rõ ràng, khiến những người thực hiện mua sắm mang tâm lý hoang mang, lo lắng...

Theo Sở Y tế, khi được thành lập, Trung tâm mua sắm tập trung phải đảm bảo mang tính chuyên nghiệp với quy mô đủ lớn, hoạt động độc lập, khách quan, không kiêm nhiệm để đáp ứng nhu cầu của ngành y tế TP.

Các mặt hàng mua sắm tập trung gồm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Trong đó, danh mục hàng hóa mua sắm tập trung thực hiện theo lộ trình thời gian để đảm bảo đơn vị luôn được cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc và trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh.

Ngoài ra, phải có quy chế phối hợp giữa trung tâm với các cơ sở y tế trong việc mua sắm, sử dụng và điều phối.

Sở Y tế TPHCM khẳng định, qua khảo sát nhanh, có 91,5% giám đốc các đơn vị trực thuộc Sở Y tế đồng ý với đề xuất trên.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm