TPHCM: Kiểm soát việc kinh doanh thịt chó
(Dân trí) - Đây cũng là một phần trong chương trình thanh, kiểm tra công tác đảm bảo VSATTP cũng như các công tác phòng chống dịch tả, cúm gia cầm, thức ăn đường phố trong tháng hành động vì chất lượng VSATTP.
Sau công bố của Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới về nguồn gốc gây dịch tả có liên quan đến thịt chó, ông Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế cho biết thành phố, cho biết: Sẽ kiểm tra các điểm giết mổ, kinh doanh thịt chó.
Tuy nhiên, theo ông Phan Xuân Thảo, Phó chi cục trưởng cục Thú y, việc buộc tội dịch tả xuất xứ từ thịt chó là không hợp lý, bởi phẩy khuẩn tả chưa chắc có trong thịt chó mà có thể do bị lây nhiễm từ nguồn nước hay do các món ăn đi kèm với nó.
Ông Thảo còn cho biết: Sắp tới Cục Thú y sẽ ban hành quy chế về giết mổ thịt chó. Hiện nay, việc giết mổ chó không hề tuân thủ theo một nguyên tắc nào cả. Trong đó, việc kiểm dịch thịt chó vẫn còn bỏ ngỏ, vì trên con chó còn có thể có mầm bệnh dại cũng như các mầm bệnh khác, do đó việc kiểm dịch chó là rất cần thiết.
Qua 3 ngày kiểm tra tại các Q. Gò Vấp, Q.4; huyện Thủ Đức, Cần Giờ cho thấy: Việc buôn bán lén lút gia cầm chưa qua kiểm dịch trên địa bàn Quận Gò Vấp vẫn còn rất nhiều. Cụ thể, tại Chợ Tân Sơn, Chợ Thạch Đà (P.12), Chợ Cầu (P.14), đầu cầu An Lộc (P.17), chợ tự phát Phan Văn Trị (P.10)…. vẫn còn nhiều hộ tiếp tục kinh doanh gia cầm, thậm chí có những điểm tái phạm nhiều lần mà đến nay vẫn chưa bị xử lý.
Bà Trần Thị Xới, Trưởng trạm Thú y Q. Gò Vấp cho biết, đoàn kiểm tra Q. Gò Vấp bị chống đối rất quyết liệt và liên tục tái phạm nhiều lần. Việc kiểm tra xử phạt như “bắt cóc bỏ đĩa”, đoàn kiểm tra đi qua thì mọi sự lại tái diễn như cũ. Ngay cả khi Phường 14 và Phường17 đã cho dân quân túc trực trụ tại các điểm bán gia cầm sống trên cầu An Lộc và Chợ Cầu thì mọi việc cũng không khá hơn.
Theo Bà Xới, do chính quyền địa phương chưa quan tâm cũng như thiếu kiên quyết nên tệ nạn kinh doanh gia cầm chưa qua kiểm dịch vẫn ngang nhiên bày bán. Các điểm bán gia cầm sống khi gặp đoàn kiểm tra, ngoài cách ôm gà vịt bỏ chạy, nay còn sáng chế ra cách chạy tội mới. Khi có đoàn thanh tra xuất hiện, các nhà bán gà - vịt trên đường Phan Văn Trị bấm ổ khoá lại và bảo rằng không có kinh doanh mua bán gì hết.
Tại các chợ tạm Thạch Đà (Q. GV), chợ tạm P.6 (Q.4), chợ Thủ Đức…, tình trạng vệ sinh cũng rất bết bát. Nhiều sạp bày bán lẫn lộn thịt tươi sống với thức ăn chín, cũng như không hề có gì che đậy các loại thức ăn chín. Nhiều bao bì của các cơ sở có đăng ký kinh doanh đã được tái sử dụng. Khi bị chất vấn, 1 bao bì được “tái sử dụng” bao lâu rồi, thì người bán chỉ cười trừ.
Đối với nguồn nước, nhiều nơi dùng loại nước sinh hoạt không còn dư lượng Clo. Ngay các cơ sở kinh doanh nước uống đóng chai, nước uống đóng bình thì có nơi cũng đạt các tiêu chuẩn về lý hóa, vi sinh nhưng lại không đảm bảo được vấn đề VSATTP.
Qua kiểm tra các cơ sở sản xuất nước đóng chai, đóng bình ở Quận 7, Hóc Môn, Thủ Đức, có một số cơ sở đã bị tạm đình chỉ sản xuất do không đảm bảo VSATTP như cơ sở B-N(Q.Thủ Đức), công ty TTĐ, công ty NT thuộc Q. 7, cơ sở K, cơ sở T (H.Hóc Môn)...
TS Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM đã yêu cầu Q.Gò Vấp có biện pháp xử lý với các điểm kinh doanh gia cầm trên địa bàn của Quận và ông cũng cho biết sẽ báo sự việc này lên UBND TPHCM.
Đối với chợ Xóm Chiếu (Q.4), đoàn kiểm tra thành phố sẽ tái thẩm định 6 tháng sau. Nếu đạt chuẩn VSATTP như đợt kiểm soát này, toàn chợ sẽ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP.
Ông Bùi Đức Phong, Phó Chánh thanh tra Bộ Y Tế, cũng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng hơn về việc phòng chống các loại dịch bệnh nhất là dịch tả, cúm gia cầm… tại những nơi đông người tụ tập như chợ, những nơi có môi trường ô nhiễm, dễ phát sinh dịch bệnh.
Ngọc Thanh