TPHCM: Cô gái phải cấp cứu ở 2 bệnh viện vì tai nạn nguy hiểm khi ăn lẩu

Hoàng Lê

(Dân trí) - Trong lúc ngồi ăn lẩu bò, cô gái đưa tay chỉnh bếp cồn thì bị nồi lẩu đang sôi đổ lên người.

Ngày 6/6, đại diện Bệnh viện quận 1 (TPHCM) thông tin với phóng viên Dân trí, những ngày qua các bác sĩ nơi đây đã tiếp nhận điều trị cho một trường hợp bỏng nặng vì tai nạn khi đi ăn lẩu.

Bệnh nhân là chị H.M. (24 tuổi). Theo thông tin ban đầu, tối 30/5 chị M. cùng gia đình đi ăn tại một quán lẩu bò ở quận Phú Nhuận (TPHCM). Trong quá trình ăn, chị M. phát hiện chân bếp cồn bị lọt vào kẽ giữa của bàn nên đưa tay chỉnh lại thì bị nồi lẩu đang sôi đổ lên người.

Sau tai nạn, chị M. vào nhà vệ sinh rửa vết thương, sau đó được đưa đi cấp cứu tại một bệnh viện ở quận Bình Thạnh, rồi tự chuyển về Bệnh viện quận 1.

TPHCM: Cô gái phải cấp cứu ở 2 bệnh viện vì tai nạn nguy hiểm khi ăn lẩu - 1

Sau khi bị nồi lẩu đổ lên người, cô gái bỏng nặng vùng đùi (Ảnh: NV).

Tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ thăm khám, ghi nhận bệnh nhân bị bỏng độ 2 vùng mặt trong đùi, từ đầu gối xuống háng. Bệnh nhân được thay băng, chăm sóc vết thương, bù điện giải và theo dõi tích cực. Hiện tại, bệnh nhân được điều trị ngoại trú ở khoa Khám bệnh, dự kiến khoảng 7-10 ngày mới có thể hy vọng lành vết thương.

Theo bác sĩ, người dân cần chú ý trong các tình huống sinh hoạt, vui chơi, ăn uống để tránh những tai nạn đáng tiếc. Đặc biệt khi đã xảy ra bỏng, cần biết cách sơ cứu rồi nhanh chóng đến bệnh viện điều trị. Việc xử trí sai, chậm trễ có thể khiến bệnh nhân bị nhiễm trùng, làm vết bỏng nặng hơn, kéo dài thời gian điều trị và để lại sẹo xấu.

TPHCM: Cô gái phải cấp cứu ở 2 bệnh viện vì tai nạn nguy hiểm khi ăn lẩu - 2

Chàng trai phải đi cấp cứu vì bỏng nước sôi khi nấu mì tôm (Ảnh: Hoàng Lê).

Trước đó vào tháng 5, chàng trai tên V. (29 tuổi, quê Bình Định) dùng bình siêu tốc để nấu mì tôm ăn bữa tối thì bị nước sôi đổ lên người. Sau tai nạn, chàng trai tự lấy kem đánh răng bôi lên các vết bỏng, nhưng chỉ 3 giờ phải vào viện cấp cứu vì cảm giác đau rát không cải thiện.

Tại khoa Bỏng và Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM), các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bỏng nước sôi diện tích 8% độ 2-3 vùng lưng, bụng, cánh tay phải. Bệnh nhân được xử trí thay băng, đắp nhũ tương trị bỏng da, dùng kháng sinh, giảm đau và theo dõi tích cực.

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Đinh Phương Đông, khoa Bỏng và Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương cho biết, nguyên tắc sơ cứu khi bị bỏng là dùng nước làm sạch và hạ nhiệt vết bỏng.

Khi sơ cứu ban đầu sai cách (như làm nạn nhân quá lạnh khi ngâm rửa vết bỏng vào nước, đắp vết bỏng bằng nước đá, nước ấm, đắp các loại thuốc mỡ, dầu, nước mắm, nước tương, lá cây, kem đánh răng hoặc bất kỳ chất gì vào vùng bỏng, làm trợt loét vết bỏng…), bệnh nhân có nguy cơ gây bội nhiễm, bỏng sâu hơn, tổn thương da nặng.

Có những trường hợp bỏng xăng không sơ cứu đúng bằng nước sạch sớm mà chỉ lấy mền trùm lại, khiến khi đến bệnh viện nạn nhân đã bị hoại tử da nặng, thậm chí nguy cơ ảnh hưởng tính mạng do sốc bỏng, nhiễm trùng. Kể cả khi được cứu sống, bệnh nhân cũng dễ để lại di chứng sẹo bỏng co rút về sau.