TPHCM: Cơ chế “cột” 400 tỷ đồng
(Dân trí) - “Đến nay đã là tháng 11/2007 mà kế hoạch mua sắm trang thiết bị phục vụ cho ngành y tế TPHCM năm 2007 vẫn chưa được duyệt” là lời tường trình của Giám đốc Sở Y Tế TPHCM khi trả lời chất vấn về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em.
Được biết, con số 400 tỷ đồng này đã được Sở Y tế TPHCM duyệt qua danh mục các trang thiết bị cần mua sắm cho công tác chữa trị từ các BV thuộc TPHCM và sau đó đã được HĐND TPHCM thông qua, mà đến nay vẫn còn nằm trên bàn giấy. Lời tường trình này đã lãm sững sờ các đại biểu HĐND TPHCM (thuộc Ủy ban Văn Hóa - Xã Hội) có mặt. Nhiều người đã yêu cầu Giám đốc Sở Y tế xác nhận lại thông tin vừa đưa ra.
Trong số các trang thiết bị đang chờ duyệt đó, có nhiều trang thiết bị cần thiết cho việc chữa trị các tai nạn thương tích cho trẻ em như máy lọc máu liên tục, đây là loại máy khá đa dụng cần thiết trong cấp cứu. Ngay cả xe cứu thương, là 1 phương tiện cần yếu cho việc vận chuyển sơ cấp cứu ban đầu, hiện nay cũng đang thiếu trầm trọng, dẫn đến nhiều ca cấp cứu trở nên muộn màng.
Theo báo cáo của Bác sĩ Trần Thanh Mỹ, Giám đốc BV Chấn Thương Chỉnh Hình (BV CTCH) TPHCM, đã có 37.580 trẻ em bị tai nạn thương tích trong khoảng thời gian từ tháng 10/2006 đến tháng 09/2007. Trong đó, đứng đầu với lý do ngã có đến 21.615 trường hợp, thứ hai là 8.982 trường hợp do tai nạn giao thông đường bộ, thứ ba là 5.244 trường hợp do mắc dị vật, ngoài ra còn có 834 trẻ bị tai nạn do bỏng.
Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng ngiệp vụ y thuộc Sở Y tế TPHCM cho biết: “Từ số ca trẻ em bị tai nạn do mắc dị vật từ các loại đồ chơi thiếu an toàn, thành phố sẽ thành lập đòan thanh tra liên ngành để kiểm tra vấn đề an toàn trong đồ chơi dành cho trẻ em TPHCM”.
Bác sĩ Nguyễn Văn Châu, nhận định: “Để việc phòng chống tai nạn thương tích đạt hiệu quả cao trong cộng đồng, cần phải có sự tuyên truyền sâu rộng về nhiều mặt trong các khu vui chơi - giải trí, nhà trẻ, trường học…”.
Ông cũng cho biết, cần tuyên truyền tốt, liên tục để người dân nhớ được các số điện thoại cấp cứu. Cùng với đó là hệ thống thông tin đạt hiệu quả, hệ thống cấp cứu ở từng địa phương tốt thì chắc chắn việc cấp cứu các tai nạn sẽ cứu sống được nhiều người bệnh.
Ngọc Thanh