1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM: Bùng phát dịch bệnh trẻ em

Chỉ còn hơn nửa tháng nữa là chính thức khai giảng năm học mới, tuy nhiên tại TPHCM, nhiều trường học sinh đã nhập học. Điều đáng nói, trong những ngày gần đây, bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay-chân-miệng (TCM), hô hấp, tiêu chảy... lại bùng phát.

Tay-chân-miệng đến quá sớm!
 

 

TPHCM: Bùng phát dịch bệnh trẻ em


Tại BV Nhi Đồng 1, trẻ khám và nhập viện tăng đột biến khiến cho BV rơi vào tình trạng quá tải. BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, cho biết, trẻ mắc bệnh TCM đang tăng nhanh chóng, cụ thể từ 80-100 ca/ngày cách đây khoảng 1 tháng thì hơn một tuần nay có ngày lên đến 160 ca nhập viện. Số trẻ mắc bệnh TCM tăng cao, nhưng so với những tháng trước đó đợt này phần lớn mắc bệnh nhẹ hơn, chỉ 3-5% số ca nhập viện mắc bệnh nặng (độ 3, 4).

 

“Khoảng 40% số trẻ ở TPHCM, còn lại là các tỉnh chuyển về. Đa số các em mắc bệnh ở thể nhẹ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp mắc độ 3-4 do nhập viện quá muộn, nhiều trẻ bị biến chứng thần kinh phải nằm cấp cứu” - BS Khanh cho biết.

 

Tại BV Nhi Đồng 2, tình trạng trẻ mắc TCM đến khám và nhập viện cũng tăng tương tự. Theo BS Trịnh Hữu Tùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, hiện mỗi ngày, BV tiếp nhận hơn 100 trẻ mắc bệnh TCM điều trị nội trú. Trong khi đó, tháng trước mỗi ngày, BV chỉ tiếp nhận có 50-60 trẻ.

 

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP, từ tháng 9 -12 hằng năm, bệnh TCM mới vào mùa nhưng hơn hai tuần trở lại đây, số ca đã tăng nhanh, điều này chứng tỏ dịch năm nay đến sớm.

 

Điều đáng lưu ý cho các bậc phụ huynh, số trẻ mắc TCM nhập viện ở tình trạng nhẹ nhưng triệu chứng của bệnh biểu hiện bên ngoài khiến nhiều người lo lắng là nổi bóng nước to nhiều ở miệng, tay, chân, mông. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, triệu chứng của bệnh TCM biểu hiện rầm rộ thường ít đáng lo ngại hơn so với những ca bệnh ít có triệu chứng.

 

Năm 2011 - 2012, nhiều trường học đã phải đóng cửa khi bệnh TCM bùng phát nên nhằm tránh tình trạng trên - theo BS Khanh - nếu các trường khi tiếp nhận học sinh phát hiện trẻ mắc TCM thì phải nhanh chóng cách ly kịp thời, thông báo với phụ huynh và cần cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan cho những trẻ khác.

 

Bên cạnh đó, phải tiến hành khử khuẩn thường xuyên sàn nhà, tay nắm cửa, đồ chơi, dụng cụ học tập. TCM rất dễ phát hiện, chỉ cần thấy bất cứ học sinh nào có biểu hiện sốt, bỏ ăn, nổi bóng nước ở miệng, tay, chân thì là TCM và đề nghị cho trẻ khám bệnh ngay.

 

Các BVnhi quá tải vì sốt xuất huyết

 

Song hành với TCM, tại các BV nhi phải lo đối phó với tình trạng bệnh kép như SXH, tiêu hóa, hô hấp cũng tăng nhanh. Tại BV Nhi Đồng 2, mỗi ngày BV tiếp nhận gần 400 trường hợp trẻ mắc hô hấp, tăng 30-40% so với nhiều tuần trước đó. Do số lượng trẻ mắc bệnh tăng đột biến nên xảy ra tình trạng nằm ghép 2-3 bệnh nhân/1 giường.

 

Trong khi đó, BS Nguyễn Thành Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho biết, không chỉ TCM mà bắt đầu từ tháng 7, số trẻ mắc SXH cũng gia tăng nhanh chóng. “Mỗi ngày có hơn 40 trường hợp mắc SXH nhập viện điều trị, trong đó có hơn 30 ca là trẻ em”.

 

Tại khoa SXH của BV Nhi Đồng 1, mỗi ngày cũng có hơn 120 trẻ nhập viện, chủ yếu từ 2 đến 11 tuổi. Do không còn giường, rất nhiều trẻ phải nằm ngoài hành lang. BV Nhi Đồng 2 mỗi ngày tiếp nhận 30 ca SXH. Theo BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, hiện mỗi tuần cũng có khoảng 300 ca SXH mắc mới.

 

Để đối phó với dịch bệnh đang tăng nhanh chóng trước mùa tựu trường, Sở Y tế TPHCM sẽ triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường và diệt muỗi, diệt lăng quăng trên toàn địa bàn TP kể từ ngày 15/8 đến 15/9. Sở Y tế còn phối hợp với ngành giáo dục triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường trong trường học cho tất cả trường học trên địa bàn, dọn dẹp các vật dụng ứ đọng nước, không để lăng quăng và muỗi phát sinh.

 

Trước tình trạng SXH tăng nhanh chóng, sáng ngày 15/8, tại TPHCM, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị tăng cường phòng, chống SXH với 22 tỉnh, thành khu vực Nam Bộ - nơi được xem là điểm nóng của dịch SXH.

 

Theo Cục Y tế dự phòng, so với cùng kỳ năm 2011, số mắc SXH trong 7 tháng đầu 2012 đã tăng 35,3% so với cùng kỳ năm 2011 và có các dấu hiệu dịch tăng theo chu kỳ (năm 2011 dịch SXH đã giảm 50% so với 2010). Hiện cả nước ghi nhận gần 40.000 trường hợp mắc SXH tại 52 tỉnh, TP, trong đó có 26 trường hợp tử vong.

 

Theo Võ Tuấn

Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm