TPHCM: Bệnh nhiễm não mô cầu lan nhanh
Chiều ngày (30/1), thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM cho biết, đã có thêm 2 bệnh nhi nhập viện với các triệu chứng nhiễm não mô cầu.
Bệnh nhi nhiễm não mô cầu được chăm sóc tại BV Bệnh nhiệt đới (TPHCM)
Như vậy, bệnh đã xuất hiện ở 10 quận, huyện tại TPHCM. Hai trường hợp mới phát bệnh ở quận Bình Tân và huyện Củ Chi, cùng nhập viện BV Nhi đồng 1 (TPHCM) vào chiều 29/1.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay (30/1), toàn TPHCM đã có 10 ca nhiễm não mô cầu. Trong đó, chiếm đa số là trẻ em (7 trường hợp) và bệnh đã lan ra 10 quận, huyện của TPHCM (gồm: các quận 7, 8, 9, 10, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, các huyện Bình Chánh, Củ Chi).
Các trường hợp bệnh nhiễm não mô cầu này đều được cách ly điều trị. Đồng thời, những người có tiếp xúc với bệnh nhân đều được theo dõi, kiểm tra sức khỏe và uống thuốc dự phòng; thực hiện sát trùng khử khuẩn khu vực có người bệnh để ngăn chặn lây lan dịch.
Theo đánh giá của Sở Y tế TPHCM, sau tết là thời điểm bệnh dễ lây lan và khó kiểm soát vì lượng người từ các tỉnh về lại TP rất đông, trong đó, có thể mang theo mầm bệnh, đồng thời các khu công nghiệp, trường học, khu dân cư lại bắt đầu tập trung với mật độ cao.
Sở Y tế TPHCM yêu cầu các cơ sở y tế phối hợp với các công ty, xí nghiệp, khu công nghiệp kiểm soát, xử lý khử khuẩn các ổ dịch; lập danh sách tất cả người sống trong khu nhà trọ có bệnh nhân và danh sách công nhân/nhân viên công ty và khu công nghiệp, nhà trọ có người bệnh để tiến hành giám sát điều trị dự phòng; hướng dẫn chủ nhà trọ khử trùng toàn khu nhà trọ có bệnh nhân bằng Chloramin B. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc men, vật tư y tế cho phòng chống dịch.
Theo nghiên cứu của TS.BS.CK2 Nguyễn Trần Chính, nguyên Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới (TP.HCM): nhiễm não mô cầu (còn được gọi là màng não cầu) là bệnh trên người, với nhiều bệnh cảnh khác nhau (riêng rẽ hoặc phối hợp) tại nhiều cơ quan như đường hô hấp, máu, hệ thần kinh, khớp, màng tim, mắt, đường niệu và sinh dục.
Các thể bệnh thường gặp và nguy hiểm là: viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết. Đặc biệt, bệnh nhân có thể bị kết hợp giữa viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết.
Trong đó, thể nặng nhất là nhiễm trùng huyết tối cấp với 80% bệnh nhân nhiễm có thể tử vong. Bệnh diễn tiến rất nhanh, gây tử vong trong thời gian ngắn (từ 6-12 giờ sau khi phát bệnh), ngay cả khi bệnh nhân đã được điều trị tích cực.
BS Nguyễn Quang Trung, Phó khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Trẻ em, BV Bệnh nhiệt đới, cho biết thêm, bệnh dễ nhiễm nhất là ở thanh thiếu niên dưới 16 tuổi và đặc biệt là trẻ nhỏ.
Người bệnh có biểu hiện sốt cao đột ngột, đồng thời phát ban đỏ ở cẳng chân, hai bên hông, mông.
Là bệnh nguy hiểm và đặc biệt lây lan nhanh, dễ dàng qua đường hô hấp nên nhiễm não mô cầu có thể gây dịch, nhất là trong những môi trường sống tập thể có diện tích sinh hoạt dưới 1m2/người.
Bệnh dễ lây lan ở những khu nhà trọ, trong không gian chật chội, điều kiện vệ sinh kém.
Bác sĩ khuyên người dân nên giữ vệ sinh môi trường thông thoáng, sạch sẽ. Nếu có biểu hiện bệnh thì phải đến bệnh viện ngay để được điều trị sớm. |
Theo Nguyên Mi
Thanh niên