Người phụ nữ thủng vùng kín, ngưng tim nguy kịch khi sinh con lần 3
(Dân trí) - Khi thai hơn 33 tuần tuổi, chị Q. đột ngột đau bụng dữ dội rồi lâm dần vào ngưng tim, ngưng thở. Tại Bệnh viện Từ Dũ TPHCM, các bác sĩ phát hiện người phụ nữ thủng vùng kín, tình trạng nguy kịch.
Chị Q. (39 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) mang thai lần thứ 3, có khám định kỳ bệnh viện. Lúc thai 25 tuần tuổi, các bác sĩ phát hiện có tình trạng nhau cài răng lược.
Đến tuần thai thứ 31, hình ảnh siêu âm ghi nhận tình trạng xâm lấn bánh nhau tiến triển nặng hơn. Các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị nhau cài răng lược thể Percreta (gai nhau xâm lấn xuyên qua phúc mạc tử cung, có thể đến cơ quan lân cận).
Chị Q. đã sinh thường 2 lần, gần nhất cách đây đã 8 năm. Vào năm 2021, chị phát hiện có nhân xơ tử cung to, được phẫu thuật mổ bóc nhân xơ. Sau mổ, bệnh nhân có đặt vòng, nhưng thấy không hợp nên chuyển sang cấy que tránh thai.
Sau một thời gian cấy que, chị Q. bị rong kinh, rong huyết nên lại tháo ra. Chị chuẩn bị uống thuốc ngừa thai mỗi ngày thì lại phát hiện mình có con lần 3.
Sáng 23/6, khi thai được hơn 33 tuần tuổi, chị Q. đột ngột đau bụng dữ dội, càng lúc càng tăng, khiến bệnh nhân không thở được, cảm giác vùng bụng như muốn vỡ tung ra. Thậm chí theo chị Q., cơn đau này cường độ mạnh gấp 10 việc đau đẻ.
Phát hiện sự việc, người nhà gọi xe đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Từ Dũ. Trên đường đi, bệnh nhân ngất xỉu, không còn khả năng nhận biết xung quanh.
Tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân đã trong tình trạng hôn mê, ngưng tim ngưng thở, mạch huyết áp không đo được, bụng chướng căng khó xác định thai nhi. Các bác sĩ nhanh chóng xác định đây là trường hợp vỡ tử cung, sốc mất máu nguy kịch đến tính mạng.
Lập tức, khoa Cấp cứu kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện, huy động toàn bộ lực lượng nhân viên y tế có trình độ chuyên môn hỗ trợ. Bệnh nhân được tiến hành hồi sức tích cực bằng nhấn tim ngoài lồng ngực, tiêm thuốc adrenaline, đặt nội khí quản và chuyển lên phòng mổ.
Tại phòng mổ, bệnh nhân được hồi sức nhấn tim liên tục. Trong khi đó, các bác sĩ Sản khoa nhanh chóng mở bụng cấp cứu. Quá trình phẫu thuật, ekip điều trị phát hiện trong ổ bụng có khoảng 3.000ml máu loãng và máu cục.
Bác sĩ tiến hành rạch cơ tử cung, đưa bé trai non tháng không phản xạ, tím tái ra ngoài. Lúc này, bác sĩ sơ sinh đã sẵn sàng hồi sức tích cực, đặt nội khí quản, bóp bóng và nhanh chóng đưa bệnh nhi về khoa Sơ sinh điều trị.
Sau khi bắt em bé ra, bác sĩ kiểm tra và phát hiện nhau xâm lấn, ăn thủng tử cung góc trái của sản phụ, đồng thời có mạch máu đang chảy. Bác sĩ tiếp tục tiến hành gỡ dính, cắt tử cung, bơm máu liên tục. Lúc này, bệnh nhân có tim trở lại.
Cuộc mổ kết thúc sau 2 giờ, với tổng cộng 3.340ml máu được truyền. Hậu phẫu, cơ thể chị Q. có sự hồi phục ngoạn mục, vượt qua các nguy cơ tổn thương não không hồi phục, suy đa cơ quan, rối loạn đông cầm máu, sốt tán huyết, nhiễm khuẩn…
Sau 3 ngày, chị Q. có thể tự đi lại, vệ sinh cá nhân, ăn uống được nhiều loại thức ăn và có cảm giác ngon miệng. Vết mổ dọc giữa bụng đã khô hoàn toàn, không có dấu hiệu rỉ dịch hay sưng đỏ.
Các kết quả siêu âm và xét nghiệm máu sau mổ cho thấy, tình trạng sức khỏe chị Q. đang rất ổn định. Dự kiến, bệnh nhân sẽ sớm được xuất viện.