TPHCM: 4 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin Pfizer, Moderna, Astrazeneca
(Dân trí) - Hơn 1,1 triệu liều vắc xin sẽ được cung ứng cho TPHCM để thực hiện chủng ngừa phòng chống Covid-19. Thành phố sẽ có sự thay đổi phương án lựa chọn nhóm ưu tiên tiêm ngừa trong đợt này.
Tại buổi họp báo về công tác phòng chống dịch Covid-19 tối 12/7, BS Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, ngành y tế thành phố đang trong giai đoạn chuẩn bị tiêm vắc xin Covid-19 đợt tiếp theo cho người dân.
Theo ông Hoài Nam, bên cạnh hoạt động phòng chống dịch, vắc xin Covid-19 là vấn đề người dân đang rất quan tâm.
Ngày 12/7, Sở Y tế đã nhận được quyết định phân bổ vắc xin từ Bộ Y tế. Theo đó, thành phố đã được phân bổ 54.990 liều Pfizer, hơn 100.000 liều AstraZeneca. Trong thời gian ngắn nữa, thành phố sẽ nhận thêm 1 triệu liều vắc xin Moderna".
Hiện thành phố đã xây dựng kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin cho người dân trên. Để đảm bảo an toàn trong công tác tiêm chủng, thành phố sẽ tổ chức một trung tâm điều phối vắc xin với phương án tiêm nhanh nhưng đảm bảo an toàn, hiệu quả, không tập trung đông người.
"Trước đây, đã ưu tiên cho lực lượng phòng chống dịch, người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao… Đợt này thành phố sẽ thay đổi vị trí ưu tiên của nhóm đối tượng được chích ngừa vắc xin Covid-19".
Cụ thể, đợt chích ngừa sắp tới, thành phố sẽ ưu tiên cho 4 nhóm chính bao, gồm:
- Người mắc bệnh mạn tính, người già trên 65 tuổi.
- Nhóm người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.
- Những người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ tiện ích về thực phẩm chăm sóc sức khỏe, dược.
- Nhóm công nhân người nước ngoài đang làm việc trên địa bàn thành phố.
Về kế hoạch chích ngừa vắc xin, BS Nguyễn Hoài Nam cho biết, ngành y tế sẽ triển khai kế hoạch sử dụng 312 trạm y tế sẵn có trên địa bàn. Mỗi trạm y tế sẽ tổ chức trung bình 2 bàn tiêm và một điểm tiêm lưu động.
Với những phường xã đông dân sẽ tổ chức từ 3 đến 5 bàn tiêm tại mỗi điểm, để đáp ứng nhu cầu của người dân. Mỗi điểm sẽ tiêm khoảng 120 người/ngày để đảm bảo giãn cách. Dự tính, sau 2 đến 3 tuần, ngành y sẽ tiêm hết số lượng vắc xin được phân bổ.
Trên cơ sở nền tảng của chương trình tiêm chủng mở rộng đã triển khai lâu nay, hiện các đội tiêm đã có sẵn nguồn lực là điều dưỡng, bác sĩ chích ngừa, khám sàng lọc, theo dõi sau tiêm với quy trình khá nghiêm ngặt.
Để kịp thời ứng phó trong trường hợp có phản ứng không mong muốn với người tiêm chủng, ngành y tế đã bố trí các phương tiện xe cấp cứu ở vị trí thuận lợi có thể tiếp cận bệnh nhân trong vòng 3 phút.