TP Cần Thơ sẽ là trung tâm y tế chuyên sâu của vùng ĐBSCL

(Dân trí) - Chiều 25/12, đoàn công tác của Bộ Y tế do bà Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP Cần Thơ và các ngành liên quan về kết quả thực hiện Nghị quyết số 20 về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

 

TP Cần Thơ sẽ là trung tâm y tế chuyên sâu của vùng ĐBSCL - Ảnh 1.

Ông Võ Thành Thống - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại buổi làm việc

Bà Bùi Thị Lệ Phi – Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết: TP Cần Thơ hiện có 34 đơn vị trực thuộc sở Y tế, trong đó tuyến thành phố có 22 đơn vị gồm 2 chi cục, 2 bệnh viện đa khoa, 11 bệnh viện chuyên khoa, 7 trung tâm chuyên ngành. Tuyến y tế quận huyện có 12 đơn vị gồm 3 bệnh viện đa khoa, 4 trung tâm y tế hai chức năng, 5 trung tâm y tế một chức năng và có 85 trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Trong những năm qua, các cơ sở y tế đã thực hiện tốt quy chế chuyên môn, đảm bảo các quy trình kỹ thuật trong khám chữa bệnh. Đặc biệt, ngành y đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao như mổ tim, can thiệp tim mạch, các kỹ thuật cao trên các lĩnh vực sản, nhi, ung bướu...

Ở Cần Thơ hiện có 25 cơ sở y tế khám, chữa bệnh cho người dân trong ngày nghỉ lễ, đáp ứng theo nguyện vọng của người trong thành phố và các tỉnh lân cận.

Ngành Y tế Cần Thơ hiện có 4.557 công chức, viên chức đang làm việc; chiếm tỷ lệ 9,02 bác sĩ/ vạn dân; 1,86 dược sĩ/ vạn dân. Tỷ lệ này cao hơn mặt bằng chung của cả nước.

TP Cần Thơ sẽ là trung tâm y tế chuyên sâu của vùng ĐBSCL - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm và làm việc với cán bộ y tế xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ sáng 25/12

Tại buổi làm việc, ông Võ Thành Thống -Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề xuất Bộ Y tế phát huy mô hình bác sĩ gia đình ở các trạm y tế; Có cơ chế cạnh tranh giữa các cơ sở y tế để bác sĩ nâng cao y đức và tay nghề; Cơ chế viện phí sớm hướng đến tính đúng, tính đủ; quan tâm nhiều hơn đến ngành y tế thành phố vì các cơ sở y tế phục vụ cả vùng ĐBSCL, cần đầu tư mở rộng quy mô, trang thiết bị Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Tim Mạch…

Ông Võ Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý khám – chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, mô hình bác sĩ gia đình đang được triển khai cần được điều chỉnh lại để phù hợp với nguyên lý hiện nay. Theo ông Khoa, mô hình này hiện tại không gọi là phòng khám gia đình mà là triển khai thực hiện quản lý sức khỏe người dân và nguyên lý y học gia đình tại trạm y tế. Ông Khoa cho hay Cục đang trình Bộ trưởng điều chỉnh thông tư về vấn đề này để thực hiện đúng theo chỉ đạo điều chỉnh mới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao kết quả mà ngành y tế TP Cần Thơ đã đạt được trong thời gian qua như trong công tác khám chữa bệnh, sự tiến bộ nhanh về cơ sở hạ tầng, tỷ lệ hài lòng của người dân tại tất cả các cơ sở y tế.

TP Cần Thơ sẽ là trung tâm y tế chuyên sâu của vùng ĐBSCL - Ảnh 3.

Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ chiều 25/12

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Chính phủ, Bộ Y tế định hướng TP Cần Thơ là trung tâm y tế chuyên sâu vùng ĐBSCL. Vì thế, bên cạnh hỗ trợ từ Trung ương, các BV nỗ lực phát triển chuyên sâu, mũi nhọn. Ngành y tế Cần Thơ nên có đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để tăng cường cho bệnh viện thành phố, không nên xóa bỏ trạm y tế mà những nơi có phòng phám đa khoa khu vực thì nên tinh gọn lại để tận dụng cơ sở vật chất và nhân lực này.

Bà Tiến cũng cho rằng, Cần Thơ nên xây dựng đề án luân phiên bác sĩ tuyến trên và bác sĩ trẻ tình nguyện về tuyến xã để tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Bộ sẽ bàn với thành phố, Trường ĐH Y dược Cần Thơ để xem xét hình thành Trung tâm nghiên cứu y sinh.

Đối với khối y tế dự phòng, phải đổi mới cơ cấu tài chính, nâng cao mức thu nhập cho cán bộ y tế dự phòng…

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và đoàn công tác đã đến thăm, làm việc tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và trung tâm Y tế huyện Phong Điền.

Phạm Tâm