Top 5 nghiên cứu “vậy mà không phải vậy”
(Dân trí) - Có nhiều nhà báo viết về mảng sức khỏe. Một số rất tuyệt, một số rất tốt, còn một số thì “dở tệ”. Dưới đây là top 5 ví dụ của loại sau cùng.
1.Ngộ nhận “sai lầm” về một cách chữa trị toàn diện cho ung thư
Tháng 1 năm 2014, tờ Daily Express đã có bài viết gây xôn xao với tiêu đề: “Một cách chữa khỏi tất cả các bệnh ung thư đang trở thành hiện thực”. Tuyên bố hoàn toàn sai lầm này trên thực tế chỉ căn cứ vào nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trên tế bào của chuột trũi.
Tuy chuột có nhiều đặc tính sinh học giống với người, nhưng tuyên bố rằng sắp tìm ra một cách điều trị chữa khỏi tất cả các loại ung thư là rất phi lý.
2. Cuộc sống sau khi chết “là có thực”
“Cuộc sống sau khi chết là hiện tượng có thực, các nhà khoa học Anh đã tìm ra nó,” tờ Metro loan tin. Vậy nó có thực à? Phải chăng một trong những câu hỏi quan trọng nhất của triết học và thần học trong lịch sử loài người cuối cùng đã có được câu trả lời chắc chắn? Ồ, không, tất nhiên là không, đừng có ngốc như vậy.
Thực ra các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một số ít người cho biết đã có những trải nghiệm “thoát xác” trong khi hồi sức cấp cứu. Việc con người ta tiếp tục có suy nghĩ và trải nghiệm trong khi máu chứa ô xi vẫn được bơm tới não là điều hoàn toàn hợp lý.
3. Trà Earl Grey “tốt như statin”
Trà Earl Grey là loại trà rất nổi tiếng ở Anh và châu Âu. Ngày 1 tháng 4 năm ngoái, tờ Daily Telegraph hoan hỉ viết “Một tách trà Earl Grey tốt ngang với thuốc statin trong việc chống lại bệnh tim.” Nhiều người ngờ rằng đây là một trò “Cá tháng Tư”, nhưng không, hóa ra đó ra một bài báo rất nghiêm túc.
Và chắc hẳn bạn sẽ “đau tim” khi phát hiện ra rằng nghiên cứu được tiến hành trên chuột, chứ không phải trên người.
Hơn nữa, khuyến khích độc giả thay thế các thuốc statin được bác sĩ kê đơn để ngăn ngừa bệnh tim bằng trà Earl Grey rõ ràng là việc làm vô trách nhiệm.
4. Ibuprofen có thể “kéo dài tuổi thọ”
Tờ Daily Mirror thông báo “uống ibuprofen hàng ngày có thể kéo dài tuổi thọ của bạn tới 12 năm”. Đây chỉ là một trong nhiều “tin hot” chưa được chứng minh và thiếu trách nhiệm về những nghiên cứu trên nấm men, giun nhỏ và ruồi giấm (chí ít thì cũng không phải trên chuột).
Ngoài việc thiếu bằng chứng, những bài viết kiểu này cũng khuyến khích người dân dùng thuốc mà không có lời khuyên của bác sĩ – một việc rất nguy hiểm. Tuy an toàn cho đa số người, nhưng không phải ai cũng phù hợp để dùng ibuprofen, ví dụ như người bị suy tim.
5. Một phần ba số nạn nhân bị mèo cắn phải đi viện
“Một phần ba số người bị mèo cắn phải nhập viện”, tờ Daily Mail cảnh báo. Nhưng bạn chớ nên vội vàng đặt rọ mõm cho chú mèo cưng - bài viết đã hiểu sai nghiêm trọng các con số thống y tế đơn giản. Họ đã nhầm số người bị mèo cắn phải đi cấp cứu, với tổng số người bị mèo cắn (một con số lớn hơn nhiều).
Con số thực sự của những người cần nhập viện sau khi bị mèo cắn được cho là chưa đến 1/100.
Top 5 nghiên cứu “khoa học thật hấp dẫn”
Các nhà khoa học luôn hấp dẫn và thứ khoa học mà họ thực hành còn hấp dẫn hơn. Dưới đây là 5 trong số những nghiên cứu hấp dẫn nhất
1.Sử dụng các ống sợi nano để “di chuyển” khối u não
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng những “đoàn tàu nano” tí hon, rộng chưa đầy 0,0001mm để đưa tế bào ung thư não ra khỏi não chuột tới một nơi mà chúng có thể bị phá hủy một cách an toàn.
2. Kích thích não bằng điện có thể điều khiển giấc mơ
Một nghiên cứu thấy rằng kích thích não bằng điện ở bước sóng đặc hiệu (25 – 40Hz) có thể làm tăng độ trong sáng của giấc mơ và khả năng tự nhận thức của con người trong giấc mơ. Vì thế việc điều khiển giấc mơ theo kiểu của Kẻ cắp giấc mơ – bộ phim giả tưởng nổi tiếng với tài tử Leonardo DiCaprio đóng vai chính – có thể trở thành hiện thực trong tương lai.
3. Liệu pháp gen có thể giúp điều trị bệnh mù di truyền
Các nhà nghiên cứu đã tiêm một vi rút biến đối gen vào võng mạc. Sau đó vi rút đã biến đổi các tế bào ở võng mạc bình thường không cảm nhận ánh sáng (tế bào hạch võng mạc) thành tế bào cảm nhận ánh sáng, nhờ đó đã phục hồi được mức độ thị lực nhất định cho chuột và chó bị mù.
4. Sử dụng laser để tái tạo răng tổn thương
Một nghiên cứu mới trong phòng thí nghiệm thấy rằng liệu pháp laser năng lượng thấp có thể kích thích các tế bào gốc của răng (những tế bào có thể tạo thành những tế bào răng đặc hiệu khác) để tạo thành ngà răng – lớp phủ trên răng nằm ngay dưới lớp men răng. Hy vọng rằng một ngày nào đó liệu pháp laser có thể thay thế những phẫu thuật răng đắt đỏ và tốn thời gian như điều trị ống chân răng.
5. “Siêu lạnh” có thể kéo dài sự sống của tạng ghép
Các nhà nghiên cứu Mỹ đã phát triển một kỹ thuật “siêu lạnh” mới trong đó tạng ghép được đông lạnh đồng thời với việc chất dinh dưỡng được đưa vào tạng để duy trì sự sống cho nó. Trong nghiên cứu trên động vật, họ đã thành công trong việc giữ cho tạng ghép “sống” được 72 giờ (các kỹ thuật hiện nay chỉ có thể bảo tồn tạng ghép trong khoảng 12 giờ.
Cẩm Tú
Theo NHS