1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tốn nhiều tiền, mắc thêm “tật” sau chữa bệnh ở nước ngoài

(Dân trí) - “Nhiều bệnh nhân sau khi đi khám bệnh ở nước ngoài mất hàng trăm ngàn USD nhưng tiền mất, tật mang và phải về bệnh viện trong nước để chữa “tật”. Có những đợt, bệnh viện tiếp nhận cùng lúc 5 trường hợp ghép gan đến điều trị, người sống ít nhất được 27 ngày…”

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện Việt Đức cho biết tại Hội nghị trực tuyến chỉ đạo tuyến chuyên ngành ngoại khoa và tổng kết dự án bệnh viện vệ tinh diễn ra sáng 15/7 tại Hà Nội.

Nhiều rủi ro

Theo TS Quyết, cùng một kỹ thuật, phương pháp điều trị nhưng chi phí khám ở nước ngoài đắt gấp hàng trăm lần so với chi phí khám chữa bệnh tại Việt Nam. Chưa kể, nhiều người bệnh vì chọn nhầm những nơi không uy tín, khiến tiền mất, tật mang.

Thực tế, có rất nhiều người Việt Nam mắc bệnh ung thư, phải ghép tạng, sinh nở… đã sang nước ngoài điều trị. Và ở nhóm bệnh nào thì cũng có rất nhiều người đã không được chữa trị khỏi, phải quay lại Việt Nam điều trị và họ đã được chữa thành công, với chi phis chỉ bằng một phần rất nhỏ so với số tiền họ đã bỏ ra để khám ở nước ngoài.

Như tại bệnh viện Việt Đức, có những đợt cùng lúc bệnh viện tiếp nhận 5 trường hợp đi ghép gan ở nước ngoài về điều trị, người sống ít nhất được 27 ngày, người sống nhiều nhất được 6 tháng. Ngoài ra, có nhiều bệnh nhân dù được ghép tạng rồi nhưng không đạt, phải về đăng ký chờ ghép tạng lại sau khi đã được ghép ở nước ngoài.

Trong khi đó, ghép tạng ở Việt Nam chi phí rẻ, tỷ lệ thành công thậm chí cao hơn các nước trên thế giới vì sàng lọc ghép rất khắt khe. Tại bệnh viện Việt Đức đã ghép thành công 53 ca ghép thận, 4 ca ghép gan, 1 ca ghép tim và 2 ca ghép van tim. Đến giờ, các bệnh nhân vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, có cuộc sống sinh hoạt bình thường, nên có thể đánh giả tỷ lệ thành công sau ghép là 100%. Tại VN, bệnh nhân ghép gan đâu tiên ở Việt Đức vẫn sống khỏe mạnh sau hơn 4 năm. Chưa kể, chi phí một ca ghép tạng ở Việt Nam rẻ chỉ bằng 1/3 các nước trên thế giới.

Một trường hợp khác, chị Thủy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) sang Singapore mổ đẻ vì có nhau thai cài răng lược, chị mong muốn với tay nghề bác sĩ ngoại sẽ giữ lại được tử cung. Không ngờ, sau khi sinh em bé, chị vẫn phải cắt tử cung với số tiền phải nộp lên đến 98.000 đô la Singapore. Chưa dừng lại ở đó, sau 3 ngày mổ chị vẫn không tiểu tiện được và bị phù, suy thận… được bác sĩ xác định chị bị tổn thương thận và niệu quản và sẽ phải mổ lại. Chị được chuyển sang cơ sở y tế chuyên khoa về tiết niệu và được hẹn sau 3 tháng sẽ phẫu thuật với chi phí cho ca phẫu thuật này là 35 nghìn đô la Singapore (khoảng 460 triệu đồng).

Số tiền phải chi trả quá lớn suốt cả quá trình mổ đẻ, lại không thể ở lại chờ đợi phẫu thuật, chị đã về Việt Nam và tới bệnh viện Việt Đức khám. Không ngờ bác sĩ đã cho nhập viện và lên lịch phẫu thuật ngay và sau 4 ngày nằm viện, chị đã được xuất viện với số tiền phải thanh toán chỉ là 9,3 triệu đồng (bảo hiểm đã chi trả 5,7 triệu đồng).

Theo TS Quyết, người bệnh khám nước ngoài đôi khi phải gánh thêm nhiều rủi ro. Bởi lẽ, người bệnh không đến được các trung tâm khám chữa bệnh uy tín như ở Việt Đức, mà thường được giới thiệu đến những bệnh viện mà theo đánh giá của nhiều người, chỉ là bệnh viện hạng 3. Do đó, việc điều trị cũng có thể gặp nhiều rủi ro như những trường hợp kể trên.

Tay nghề bác sĩ Việt Nam không thua thế giới

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, một bộ phận người dân vẫn chọn đi khám bệnh nước ngoài vì họ chưa biết được những tiến bộ y học mà Việt Nam đã đạt được. Thực tế, tất cả các kỹ thuật khó từ ghép tạng, mổ tim bẩm sinh dị tật phức tạp, điều trị ung thư, các phương pháp nội soi, ngoại khoa khác… trình độ của Việt Nam không chỉ đã sánh ngang tầm khu vực mà còn được đánh giá là tương đương với trình độ của các nước phát triển trên thế giới.
 
Tốn nhiều tiền, mắc thêm “tật” sau chữa bệnh ở nước ngoài - 1
100% ca ghép tạng ở Việt Đức đều thành công. Trong ảnh là bệnh nhân được ghép tim hồi tháng 4/2011. Hiện ông đã được xuất viện và
có cuộc sống khỏe mạnh

Cùng quan điểm này, TS Quyết khẳng định: “Bác sĩ Việt Nam hoàn toàn không thua kém gì bác sĩ nước ngoài về trình độ. Thậm chí, điều kiện thực hành ở Việt Nam còn tốt hơn họ rất nhiều. Ví như một bác sĩ nước ngoài mổ cắt gan mỗi năm chỉ mổ từ 40-50 ca. Còn bác sĩ tại Việt Nam, như chúng tôi, một năm cắt từ 150-200 ca. Ghép tạng thì thấy quá rõ, 100% ca ghép đều thành công”.

Thực tế, có rất nhiều người giàu có, hoàn toàn có khả năng chi trả những khoản tiền khổng lồ khi đi chữa bệnh nước ngoài đã chọn khám bệnh trong nước và họ đã được chữa thành công. Như trường hợp được ghép gan từ người chết não ở Việt Đức hồi tháng 4/2011 là một doanh nhân rất nổi tiếng. Bệnh nhân này đã đi tham khảo ở nhiều nước, rồi đã quyết định về Việt Nam đăng ký ghép gan và ca ghép đã thành công.

Cũng theo TS Quyết, phần lớn người bệnh Việt Nam khi lựa chọn khám ở nước ngoài đều có chung tâm lý ngại cảnh đông đúc, chật chội, chờ đợi khi khám chữa tại Việt Nam.

Vì thế, mục tiêu của bệnh viện Việt Đức đạt ra là tiếp tục trang bị cơ sở vật chất, phòng ốc, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ để người bệnh tin tưởng, Hiện viện có khu điều trị tự nguyện với cơ sở khang trang, hiện đại không thua kém bất cứ nước nào trên thế giới. Người bệnh vừa nằm điều trị, vừa có thể cập nhật thông tin bên ngoài qua ti vi, internet… “Giá rất đắt, 1 triệu/1 ngày/2 giường nhưng lượng bệnh nhân cũng rất đông. Muốn nằm đây điều trị, người bệnh phải đăng ký trước đó cả tuần”, TS Quyết nói.

Tôi chắc chắn một điều, không có lý gì người bệnh không chọn điều trị trong nước khi điều kiện cơ sở vật chất được nâng cao. Vì tay nghề bác sĩ Việt Nam giỏi, có những lĩnh vực đạt được thành tựu ngang tầm khu vực và thế giới, trong khi đó, giá viện phí ở Việt Nam so với các nước trong khu vực rẻ bằng 1/20- 1/30 lần.

Hồng Hải

Dòng sự kiện: Nội lực ngành Y