Khánh Hòa:

Tốn kém hàng trăm triệu đồng mỗi tháng vì "đắp chiếu" hệ thống xử lý rác thải y tế

(Dân trí) - Vì không có hệ thống xử lý rác thải y tế nên bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa tốn kém hàng trăm triệu đồng/tháng để thuê một đơn vị đến thu gom, xử lý. Hiện nay, bệnh viện đang đưa rác y tế vào kho lạnh bảo quản, lưu trữ để chờ xe đến thu gom mỗi tuần 2 lần…

Sáng ngày 22/8, trao đổi với PV Dân trí, ông Đinh Tấn Hùng, Trưởng phòng Hành chính quản trị, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết, dự án hỗ trợ xử lý chất thải y tế nằm tại bệnh viện đang tạm dừng vì bị người dân phản đối vì lo sợ ô nhiễm. Theo ông Hùng, hiện nay rác thải rắn y tế của bệnh viện phải đưa vào một phòng lắp máy lạnh để lưu trữ.

Mỗi tuần 2 lần, Công ty Môi trường Việt Xanh (Bình Dương) đưa xe đến bệnh viện lấy rác để đưa vào Bình Dương xử lý. Mỗi ngày bệnh viện có khoảng 250kg chất thải y tế nên mỗi tháng tốn kém 250-280 triệu đồng cho việc xử lý chất thải rắn y tế vì không có hệ thống xử lý.

“Nếu có hệ thống xử lý chất thải y tế tại bệnh viện thì sẽ bớt tốn kém hơn rất nhiều. Khi rác y tế đưa xuống thì sẽ cho xử lý ngay, không để phát tán ra môi trường”, ông Hùng cho biết.

Trước thực trạng này, Bộ Y tế đã đồng ý triển khai dự án hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, với tổng mức đầu tư hơn 55 tỷ đồng (vốn vay ODA của ngân hàng thế giới là hơn 48 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh khoảng 7 tỷ đồng). Dự án có công suất xử lý chất thải rắn 500kg/ngày (gồm 2 máy xử lý); cải tạo hệ thống xử lý chất thải lỏng công suất 900m3/ngày đêm…

Vì không có hệ thống xử lý rác thải y tế nên bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa tốn kém hàng trăm triệu đồng/tháng
Vì không có hệ thống xử lý rác thải y tế nên bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa tốn kém hàng trăm triệu đồng/tháng

Ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, cho biết, hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại dùng cho bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa là thiết bị Sterilwave (do Pháp sản xuất) sử dụng công nghệ vi sóng, tích hợp máy cắt bên trong khoang xử lý. Đây là thiết bị xử lý chất thải rắn y tế hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường (thiết bị này không phải là lò đốt). Vì dự án này không phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường nên sau khi được phê duyệt, Sở đã lập hồ sơ kế hoạch bảo vệ môi trường trình Sở TN&MT thẩm định. Sau khi thẩm định, Sở TN&MT đã cấp giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho dự án.

“Thiết bị tự động xử lý chất thải rắn y tế thành chất thải tương tự rác thải sinh hoạt. Trong quá trình vận hành hầu như không phát sinh khói, không phát sinh mùi và không phát sinh các chất thải thứ cấp gây ô nhiễm”, ông Minh khẳng định. Ngoài ra, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, trước khi đưa vào sử dụng thì hệ thống này phải được chạy thử, kiểm định chất thải đầu ra. Sau khi kiểm tra yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật, thiết bị mới được vận hành.

Tuy nhiên, khi công trình này vừa xây dựng tường bao, nằm trong khuôn viên bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa thì hàng chục hộ dân đã làm đơn kiến nghị xem xét, không cho triển khai.

Các hộ dân cho rằng, hệ thống nằm giữa trung tâm TP Nha Trang, nơi có dân cư, các cơ sở kinh doanh, khách sạn, nhà hàng, quán ăn, trường học…. đông đúc mà không có khoảng cách an toàn thì không đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường. Ông Nguyễn Lê Đình Trị, Chủ tịch HĐND TP Nha Trang, cho rằng, nói hệ thống “hầu như không phát sinh khói” thì có nghĩa vẫn chưa đạt đến mức tuyệt đối, tức là vẫn còn một lượng nhỏ nào đó phát tán.

Sở Y tế Khánh Hòa khẳng định, khi đi vào hoạt động, nếu xảy ra sự cố, Sở Y tế sẽ tiến hành thay thế ngay thiết bị khác. Trước ý kiến trái chiều, ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh di dời hệ thống xử lý này ra Bệnh viện Da liễu tỉnh Khánh Hòa, nơi trước đây đã đặt lò đốt xử lý rác thải y tế tập trung.

Liên quan đến hệ thống này, ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng, trong trường hợp di chuyển ra khu vực mới thì cần tuyên truyền để người dân hiểu đây là công nghệ xử lý rác không gây ô nhiễm môi trường, cần sự đồng thuận cao của người dân.

“Lãng phí” nhà máy xử lý chất thải công nghiệp

Tốn kém hàng trăm triệu đồng mỗi tháng vì "đắp chiếu" hệ thống xử lý rác thải y tế - 2

Trong khi Khánh Hòa đang loay hoay xử lý chất thải y tế thì nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại đầu tiên ở tỉnh này bị đình trệ do bị người dân bao vây mặc dù dự án đã được cấp phép đầy đủ.

Ông Hà Quang Hòa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Khánh Hòa, cho biết, dự án “Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại” đóng tại xã Ninh An (thị xã Ninh Hòa) đã được Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nhà máy có công suất 100 tấn/ngày, do Công ty Cổ phần Môi trường Khánh Hòa làm chủ dự án. Theo ông Hòa, nếu không có vướng mắc từ người dân, dự án đã vận hành, hoạt động từ tháng 9/2015.

Ông Hòa cho biết nếu đi vào hoạt động, số rác thải rắn y tế ở Khánh Hòa sẽ được chuyển về nhà máy ở thị xã Ninh Hòa xử lý cho gần thay vì đưa vào Bình Dương vì cùng một chủ đầu tư.

Đánh giá về hệ thống xử lý chất thải rắn y tế dùng cho bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa, ông Hòa - cho biết: “Nó như lò vi sóng, đưa rác vào hấp chín bằng sóng từ. Nhưng người dân không có hiểu, cứ nghĩ là nó phát tán ra ngoài nhưng ở đây là đưa đưa rác vào trong lò hấp chín nên hết bị lây nhiễm”.

Thủy Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm