Toàn thể cán bộ Viện mắt TƯ sẽ hiến giác mạc

(Dân trí) - Tại lễ phát động Hưởng ứng ngày thị giác thế giới (11/10), toàn bộ cán bộ y tế Viện mắt TƯ (406 người) đã đăng ký hiến tặng giác mạc.

Đây là hành động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của của đội ngũ các thầy thuốc nhãn khoa bởi họ là những người hiểu hơn ai hết về sự khốn khổ của những bệnh nhân mù loà, về việc họ phải chờ đợi hàng năm trời, thậm chí hàng chục năm để được ghép giác mạc.

Tính đến thời điểm này đã có bốn người Việt Nam tình nguyện hiến tặng giác mạc của mình.

 

PGS.TS Hoàng Minh Châu, Phó giám đốc Bệnh viện mắt TƯ cho biết: Cả nước ta có khoảng 300 nghìn người mù một hoặc 2 mắt do bệnh lý giác mạch (GM) và mỗi năm con số này tăng thêm vài ngàn trường hợp mắc mới. Trong khi đó, số bệnh nhân được điều trị ghép GM chỉ vài chục đến hơn 100 người trên toàn quốc, mảnh ghép lấy chủ yếu từ nguồn giác mạc viện trợ của Mỹ.

 

Tuy nhiên, kể từ 1/9/2007 do có sự thay đổi trong chính sách ngân hàng mô của Mỹ mà giá thành giác mạc của các ngân hàng mắt của Mỹ tăng khá cao, ngay cả các nước phát triển như Nhật hay Singapore trước đây vẫn thường mua GM của Mỹ nay cũng gặp khó khăn. Như vậy, nguồn mô mà Việt Nam vẫn được viện trợ sẽ giảm sút đáng kể. Cơ hội để những người mắc bệnh về giác mạc nhìn lại được ánh sáng càng trở lên ít ỏi nếu không nhận được sự hỗ trợ từ chính nguồn lực trong nước.

 

Theo TS Trần An, Phó giám đốc Viện mắt TƯ, Luật hiến ghép mô tạng được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2006 và chính thức có hiệu lực từ 1/7/2007 là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử ngành ghép mô tạng nói chung và ghép GM nói riêng. Tuy nhiên, có luật không có nghĩa là chúng ta đã có GM để ghép cho bệnh nhân. Thực tế cho thấy: Chúng ta đang phải đối mặt với lực cản từ nhận thức của mọi người với những định kiến về mặt tâm linh nên cho dù ai đó muốn hiến mắt mà gia đình không đồng ý thì cũng không thể thực hiện tâm nguyện được.

 

“Do không có giác mạc để ghép nên trình độ kỹ thuật vẫn chưa thể tiến kịp các nước trên thế giới mặc dù chúng ta có đội ngũ bác sỹ được đào tạo về ghép giác mạc có thể đáp ứng yêu cầu điều trị cũng như đào tạo”, TS An thừa nhận.

 

P. Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm