1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Toàn thân bé trai 23 tháng tuổi trợt loét, đỏ rực vì tự điều trị vảy nến

Hồng Hải

(Dân trí) - Bé trai 23 tháng tuổi được đưa đến Bệnh viện Da liễu Trung ương trong tình trạng nhiễm trùng toàn thân trầm trọng.

Ngày 25/10, Bệnh viện Da liễu Trung ương thông tin về trường hợp bệnh nhi trong tình trạng vảy nến trầm trọng, do gia đình tự điều trị.

Bác sĩ Đặng Tú Anh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, tại thời điểm nhập viện, toàn thân trẻ có nhiều tổn thương mủ tập trung thành ổ trên nền rát đỏ, trợt loét, chảy dịch, bong vảy. 

Toàn thân bé trai 23 tháng tuổi trợt loét, đỏ rực vì tự điều trị vảy nến - 1

Thời điểm nhập viện, tình trạng bệnh nhi rất trầm trọng (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Mẹ bệnh nhi cho biết, khi sinh ra, bé bình thường. Nhưng từ 3 tháng tuổi, bé đã có biểu hiện ngứa ngáy, đỏ lựng da, xuất hiện các nốt nhỏ li ti ở vùng cổ, lưng, sau đó lan ra khắp cơ thể.

Gia đình đã dùng nhiều loại thuốc lá để tắm, các loại thuốc bôi cho con nhưng tình trạng không giảm.

Đặc biệt 3 tháng trở lại đây, tình trạng tổn thương da của bệnh nhi rất nghiêm trọng. Vùng đầu của trẻ rát đỏ, đóng vảy thành từng tảng. Ngoài ra, vùng tay, chân, mặt cũng xuất hiện những đám đỏ dày đặc.

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh nhi được chẩn đoán vảy nến, phải nhập viện điều trị. 

Toàn thân bé trai 23 tháng tuổi trợt loét, đỏ rực vì tự điều trị vảy nến - 2

Toàn bộ phần lưng trẻ bị tổn thương nặng nề (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Mẹ bệnh nhi cho biết, bản thân chị cũng bị vảy nến, đã được điều trị tại Bệnh viện da liễu Trung ương. Nhưng khi hồi phục, chị không tái khám đúng hẹn và cũng tự ý sử dụng nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc khi bệnh tái phát.

Bác sĩ Hoàng Thị Phượng, Trưởng khoa điều trị nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bệnh vảy nến có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, kể cả trẻ em.

Dấu hiệu bệnh là những mảng sẩn, đỏ, bong vảy trắng ở trên da. Ngoài các biểu hiện trên, bệnh còn có thể có biểu hiện sưng, đau khớp nhưng ít phổ biến ở trẻ em hơn ở người lớn; hoặc có các triệu chứng khác như tách móng, vàng móng, móng xù xì.

"Vảy nến là bệnh lý mạn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát để bệnh ổn định và không bùng phát. Vì thế, bệnh nhân cần được theo dõi, tái khám theo chỉ định của bác sĩ.

Do phải điều trị suốt đời, dễ tái phát khiến nhiều người bệnh chán nản, nghe theo lời quảng cáo chữa khỏi hẳn bệnh vảy nến nên đã tự ý đi điều trị, gây hậu quả nặng nề.

Người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nam, sử dụng các thuốc bôi không rõ nguồn gốc xuất xứ chứa corticoid. Nhiều người thích dùng vì ngay khi bôi, tình trạng bệnh đỡ rất nhanh, nhưng sau đó thường bùng phát dữ dội", bác sĩ Phượng thông tin.

Ngoài ra, khi bị vảy nến, không nên sử dụng các loại lá cây để tắm, cần sử dụng các loại sữa tắm hoặc là xà phòng dưỡng ẩm để làm cho da mềm.

Hiện với sự tiến bộ của y học, có nhiều phương pháp điều trị vảy nến như điều trị tại chỗ, điều trị toàn thân hay liệu pháp ánh sáng, ứng dụng thuốc sinh học. Các phương pháp này có thể giúp tình trạng bệnh được kiểm soát, giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, đồng thời ngăn ngừa và hạn chế tối đa các biến chứng.

Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, hướng đến Ngày vảy nến thế giới (29/10), bệnh viện tổ chức tuần lễ khám và tư vấn miễn phí bệnh nhân, kéo dài tới ngày 29/10.