Tự điều trị vảy nến, nữ bệnh nhân lở loét toàn thân

(Dân trí) - Sau khi bôi một loại thuốc không rõ nguồn gốc để trị vảy nến, toàn thân bệnh nhân sưng phù, rỉ dịch, tróc vảy phải nhập viện cấp cứu.

Ngày 15/4, thông tin từ Bệnh viện Da Liễu, TPHCM cho biết, tại đây đang điều trị cho một bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc, người sưng phù, rỉ dịch và tróc vảy từng mảng do tự ý bôi thuốc không rõ loại để điều trị vảy nến.

Tự điều trị vảy nến, nữ bệnh nhân lở loét toàn thân - 1
Nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đớn, lở loét toàn thân


Khi vào viện, bệnh nhân là chị L.T.H.D (37 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) không thể tự đi lại được vì quá đau. Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía bệnh nhân được biết, chị H.D. có tiền sử bị bệnh vảy nến nhiều năm qua. Gần đây, người quen “mách” chị về công dụng của một loại thuốc nam được cho là của đồng bào Dao có khả năng trị khỏi bệnh vảy nến.

Với hy vọng sớm thoát khỏi những phiền toái do vảy nến gây ra, chị đã tới điểm bán thuốc gần nhà mua về bôi lên toàn thân. “Những ngày đầu, tôi bôi lên thấy da không đỡ mà tình trạng vảy nến ngày càng nặng hơn, lan rộng ra, phát ban toàn thân. Tôi đã tới điểm bán thuốc để hỏi về tình trạng của mình thì được nhân viên nhà thuốc bảo đó là tình trạng bình thường, ít bữa sẽ hết và da sẽ láng mịn, trơn tru nên tôi tiếp tục bôi”, chị H.D. cho biết.

Mỗi ngày sau đó, bệnh nhân bôi 1 tuýp kem theo hướng dẫn. Khi bôi đến týp thứ 20 thì toàn thân đã sưng phù, lở loét, rỉ dịch đau nhức nên người bệnh không dám sử dụng thêm thuốc và nhờ người nhà chở tới Bệnh viện Da Liễu TPHCM” kiểm tra.

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Vũ Hoàng, Phó Trưởng khoa Lâm sàng 2 cho biết, bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc nặng trên nền bệnh vảy nến. Bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm và chăm sóc tại chỗ. Sau 4 ngày điều trị, hiện sức khỏe của người bệnh đã tương đối ổn định, người hết sưng phù, các mảng vảy nến cũ đã bong ra và được thay thế bằng lớp da mới láng mịn hơn.

Tự điều trị vảy nến, nữ bệnh nhân lở loét toàn thân - 2
Sau 4 ngày điều trị, tình trạng lở loét đã được khống chế

Vảy nến là một bệnh viêm da mãn tính rất phổ biến. Ước tính, khoảng 2 đến 3% dân số thế giới mắc phải bệnh này. Ở trạng thái bình thường, các tế bào da cũ sau khi chết đi sẽ bong ra và được thay thế bởi các tế bào da mới. Nhưng đối với bệnh nhân mắc vảy nến, quá trình trên diễn ra nhanh gấp 10 lần do hiện tượng tăng sinh tế bào, khiến các tế bào da cũ và mới không kịp thay đổi, tích tụ lại một chỗ tạo thành những mảng dày, có vảy trắng hoặc bạc.

Người mắc bệnh vảy nến không những có cảm giác đau đớn, ngứa ngáy mà còn chịu nhiều ảnh hưởng về mặt tâm lý khi có thể bị mọi người xung quanh kỳ thị, xa lánh. Hiện nay ở Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh vảy nến đang ngày càng gia tăng với nhiều dạng bệnh khác nhau. Bệnh vảy nến có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi.

Đến nay, nguyên nhân gây bệnh vảy nến vẫn chưa được các nhà khoa học chứng minh rõ ràng nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra, vảy nến có liên quan đến rối loạn đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào và dấu ấn của cytokine. Theo đó, các tế bào lympho T trong cơ thể bệnh nhân có thể nhầm lẫn các tế bào khỏe mạnh là kẻ thù và tấn công, làm chúng bị tổn thương. Các yếu tố được cho là thuận lợi giúp gây ra bệnh bao gồm di truyền và các yếu tố ngoại sinh từ môi trường.

Theo BS Vũ Hoàng, hiện nay một số phương pháp có thể kiểm soát tốt vảy nến nhưng không thể điều trị khỏi hẳn vảy nến. “Để điều trị đạt hiệu quả tốt nhất, người bệnh cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu, sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Không nên tự ý mua thuốc, đặc biệt là các thuốc không rõ nguồn gốc để uống, bôi ngoài da hoặc tiêm vì rất dễ xảy ra biến chứng, gây ra hậu quả khôn lường”.

Vân Sơn