TPHCM:

Tình trạng quá tải bệnh viện bước đầu “hạ nhiệt”

(Dân trí) - Dù chưa bệnh viện nào cam kết không còn bệnh nhân nằm ghép nhưng nỗ lực của thành phố nhiều năm qua đã bước đầu mang lại kết quả, tình trạng quá tải đang được kéo giảm. Song, một số chuyên khoa ung bướu, nhi đồng công suất sử dụng giường bệnh còn rất cao.

Theo thống kê của ngành y tế TPHCM, trung bình mỗi năm các bệnh viện trên địa bàn thực hiện điều trị cho khoảng 40 triệu lượt bệnh nhân, trong đó có 40 - 60% là các bệnh nhân từ tỉnh thành lân cận được chuyển đến hoặc tự đến khám chữa bệnh. Ngoài ra còn một số lượng không nhỏ người nước ngoài đi du lịch, học tập, làm việc tại thành phố cần được chăm sóc sức khỏe. 

Giai đoạn từ năm 2009 - 2013, TPHCM đã phải đương đầu với tình trạng quá tải bệnh nhân tại các bệnh viện “chưa từng có trong lịch sử y học nước nhà”. Trong khi các bệnh viện tuyến dưới không có bệnh nhân thì tại các bệnh viện chuyên khoa như Ung Bướu, Chấn thương Chỉnh hình, Nhi đồng, Phụ sản, Tim mạch bệnh nhân phải nằm ghép 2 - 3 người trên một giường bệnh. Giường không đủ, người bệnh giăng võng, trải chiếu nằm lăn lóc trên lối đi.

Bộ trưởng Kim Tiến thăm hỏi bệnh nhân tại bệnh viện quận Bình Thạnh
Bộ trưởng Kim Tiến thăm hỏi bệnh nhân tại bệnh viện quận Bình Thạnh

Người mắc bệnh đã chịu nhiều đau đớn về thể xác, tinh thần nhưng khi đến bệnh viện phải xếp hàng bốc số thứ tự khám bệnh từ lúc 4 giờ sáng, khi vào điều trị lại không có chỗ nằm. Quá tải bệnh viện đã tiếp tay cho sự xuống cấp của một bộ phận cán bộ ngành y, gây áp lực trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh của y bác sĩ khiến nhiều trường hợp tai biến xảy ra… Phải trao gửi sinh mạng của mình cho y bác sĩ, nhưng thực trạng trên khiến người bệnh mất niềm tin vào ngành y tế.

Trước tình trạng trên, thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế, TPHCM đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Các đề án 1816, khoa bệnh vệ tinh - phòng khám vệ tinh; luân chuyển cán bộ về tuyến y tế cơ sở; bác sĩ gia đình; xây mới, mở rộng bệnh viện; phát triển y tế tư nhân lần lượt được triển khai. 

Ngày 13/3, tại UBND thành phố, báo cáo trước Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về vấn đề giảm tải, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế, TPHCM, cho biết: Từ năm 2010 đến nay, thành phố đã có 5 bệnh viện được xây mới gồm: Bình Tân, Tân Phú, Xuyên Á, Thành Đô, Phúc An Khang… 4 bệnh viện đã được khởi công: Nhi Đồng Thành phố, Ung Bướu (cơ sở 2), Gò Vấp, Bình Chánh khi đi vào hoạt động các bệnh viện trên sẽ tăng cường thêm 2.500 giường bệnh phục vụ nhân dân.

Lộ trình tăng cường cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho các trạm y tế phường xã, bệnh viện tuyến quận huyện đã được thực thi. Việc luân chuyển cán bộ y tế có chuyên môn kỹ thuật và xây dựng bệnh viện vệ tinh góp phần nâng chất lượng khám chữa bệnh cho tuyến y tế cơ sở. Cùng với bước tiến về chuyên môn và phương tiện kỹ thuật thì những sửa đổi của Luật Bảo hiểm Y tế, cải cách thủ tục hành chính tăng quyền lợi, giảm phiền hà đã tác động tích cực, nhiều người bệnh bỏ vượt tuyến tìm đến với y tế cơ sở để khám chữa bệnh ban đầu. 

Tình trạng quá tải tại bệnh viện Ung Bướu còn nóng
Tình trạng quá tải tại bệnh viện Ung Bướu còn "nóng"

Theo số liệu được ông Nguyễn Tấn Bỉnh công bố, trong năm 2014 tình trạng quá tải tại các bệnh viện đã bước đầu “hạ nhiệt” so với năm 2013. Cụ thể tại bệnh viện Ung Bướu trong năm 2013 công suất sử dụng giường bệnh lên tới 232% thì sang năm 2014 còn 180%; bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình từ 197% vào năm 2013 thì cuối năm 2014 còn 108%; bệnh viện Nhi Đồng 1 từ 132% của năm 2013 năm 2014 còn 121%; tương tự tại bệnh viện Từ Dũ năm 2013 là 109% thì năm 2014 còn 93,3%... 

Hiện chưa có bệnh viện nào trực thuộc thành phố cam kết không có người bệnh nằm ghép. Tuy nhiên, theo ông Tấn Bỉnh hiện đã có một số bệnh viện đăng ký giảm tải sau 24 giờ (sau 24 giờ vào viện bệnh nhân không phải nằm ghép) và giảm tải sau 48 giờ. Dự kiến trong năm 2015, thành phố sẽ có thêm 200 sinh viên y khoa tốt nghiệp, đây sẽ là nguồn nhân lực quan trọng để tăng cường cho ngành y tế. 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đánh giá cao những nỗ lực của TPHCM trong chiến lược giảm tải tại các bệnh viện. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đề nghị thành phố nên quan tâm nhiều hơn đến quỹ đất để phục vụ xây dựng và mở rộng các bệnh viện. Bên cạnh đó, để giảm quá tải cho các chuyên khoa còn “nóng” Bộ trưởng yêu cầu ngành y tế thành phố phải thống kê và xác định địa phương thực hiện chuyển tuyến nhiều nhất từ đó có kế hoạch hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật hoặc xây dựng bệnh viện vệ tinh, khoa bệnh vệ tinh, tiến tới không còn người bệnh phải nằm ghép. 

Vân Sơn