1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam ở ngưỡng báo động!

(Dân trí) - Đến 90% kháng sinh được bán cho người bệnh mà không có đơn thuốc; Người dân tự “chẩn” bệnh, “bắt chước” đơn thuốc… là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam ngày càng tăng lên.

Kháng nhiều “vũ khí” trị bệnh
Kháng nhiều “vũ khí” trị bệnh
Ngày 5/8, tại Hội nghị Triển khai kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, các bệnh lý nhiễm khuẩn vẫn luôn chiếm tỷ lệ lớn trong mô hình bệnh tật của Việt Nam. Vì vậy việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh chưa phù hợp, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh.

Vấn đề kháng thuốc xuất hiện từ những năm cuối của thập kỷ 60, tuy nhiên việc gia tăng sự kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh đang trở thành mọt nguy cơ lớn cho toàn thể nhân loại.

Cùng quan điểm này, ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng gia tăng, đang ở mức báo động. Gánh nặng do kháng thuốc ngày càng tăng do chi phí điều trị tăng lên, ngày điều trị kéo dài.

Nguyên nhân kháng thuốc, không nhiễm khuẩn cũng dùng kháng sinh, tự ý sử dụng trong cộng đồng, dùng kháng sinh không làm kháng sinh đồ, dùng kháng sinh không phù hợp; không đúng lượng, hàm lượng, thời gian

Tại Việt Nam, hầu hết các cơ sở y tế đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Kháng thuốc không phải vấn đề mới nhưng đang trở nên nguy hiểm, cấp bách.

Theo báo cáo kết quả nghiên cứu ở 19 bệnh viện ở Hà Nội, TPHCM và Hải Phòng trong 2 năm (2009-2010) về tình trạng kháng thuốc kháng sinh, có 4 chủng vi khuẩn thường gặp kháng kháng sinh là acinetobacter spp, Pseudomonas spp, E.coli, Klebsiella. Hầu hết các kháng sinh thông thường như: penicillin, tetracycline, streptomycine… hay như kháng sinh Cephalosporn thế hệ thứ 3 đều đã xuất hiện các khuẩn kháng thuốc.

Sự kháng thuốc cao đặc biệt ở nhóm thuốc Cephalosporin thế hệ 3, 4 với tỷ lệ kháng từ 66-83%, tiếp theo là nhóm kháng sinh Aminosid và Fluoroquinolon tỷ lệ kháng xấp xỉ trên 60%. Tỷ lệ kháng imipenem năm 2009 là 35%, tăng gần gấp đôi so với tỷ lệ này năm 2006 (18,4%)

Trong điều tra về các bệnh tật cụ thể như lao, một khảo sát nghiên cứu cho thấy khoảng 3% số ca sốt rét P.falciparum kháng các liệu pháp kết hợp Artemisinin ở các tỉnh như Quảng Trị, Gia Lai và Đắc Nông. Hậu quả là có khoảng 5.900 ca nhiễm lao đa kháng thuốc, gây 1.800 ca tử vong mỗi năm.

Còn chương trình Giám sát sự lây lan của HIV kháng thuốc tại TPHCM năm 2008 đã ghi nhận khoảng 5-15% số người đã kháng lại các loại thuốc kháng vi rút, thậm chí trước khi bắt đầu phác đồ điều trị…

90% kháng sinh được bán không cần đơn!

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, 90% kháng sinh được bán không có đơn, những người không có kinh nghiệm thường đứng bán thuốc, thuốc kháng sinh chiếm 25% tổng số thuốc bán ra, thuốc nội được bán chủ yếu ở vùng nông thôn, người mua thường yêu cầu mua kháng sinh do thiếu hiểu biết.

Kết quả khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị ở các tỉnh phía Bắc cho thấy nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp, đặc biệt ở vùng nông thôn.

Trong tổng số gần 3.000 nhà thuốc được điều tra, thì gần 1/3 có bán đơn thuốc kê kháng sinh. Ba loại kháng sinh được bán nhiều nhất là ampicillin/amoxicillin, cephalexin và azithromycin. Người dân thường yêu cầu được bán kháng sinh mà không có đơn với tỉ lệ gần 50% ở thành thị và gần 1/3 ở nông thôn.
Đáng chú ý, kháng sinh được sử dụng ở rất nhiều đơn thuốc, có khoa thuốc kháng sinh được sử dụng ở 100% bệnh nhân. Theo một báo cáo mới đây của Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) về kết quả khảo sát tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội, số thuốc được kê trung bình một đơn là 7,06 loại, nhiều đơn có tới 10 - 20 loại.
Tại bệnh viện Trung ương Huế, khảo sát 443 hồ sơ bệnh án năm 2012, tỉ lệ sử dụng 3 loại kháng sinh trong 1 đợt điều trị là 120, hơn 200 hồ sơ sử dụng 4-6 loại kháng sinh, 6 loại là 47 hồ sơ, chỉ có duy nhất 1 hồ sơ bệnh án sử dụng 1 loại kháng sinh.
Để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh, Bộ Y tế khuyến cáo người bệnh không nên lạm dụng. Khi có bệnh cần đi khám chứ không tự ý uống thuốc, đặc biệt là kháng sinh.
Khi uống cần tuân thủ 4 quy tắc: đúng chỉ định, liều lượng, thời gian và cách dùng.
Bộ cũng khuyến cáo các bác sĩ cần cân nhắc trong việc kê đơn.
Đồng thời Bộ Y tế cũng sẽ liên tục thanh kiểm tra khâu kê đơn, sử dụng thuốc tại bệnh viện để phát hiện và sẽ xử lý nghiêm các sai phạm.
Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ xây dựng chương trình giám sát quốc gia về kháng sinh, thiết lập hệ thống giám sát mức độ đề kháng của vi khuẩn tại mỗi bệnh viện, khu vực và trong phạm vi toàn quốc…. 

Hồng Hải