Tinh thần "Quân dân bất diệt" nơi chiến địa mang tên "Bệnh viện tuyến cuối"

Trường Thịnh

(Dân trí) - F0 càng lên tuyến cuối càng nặng, cơ hội sống chạm đáy hi vọng, nhưng những chiến sĩ nơi đây chưa từng từ bỏ tinh thần quyết chiến và tính kỷ luật một giây nào.

Tinh thần Quân dân bất diệt nơi chiến địa mang tên Bệnh viện tuyến cuối - 1

Hơn một tháng thực hiện song song 2 nhiệm vụ, Bệnh viện Quân Y 175 (TPHCM) vừa cử 150 y bác sỹ giỏi tăng cường tham gia điều trị gần 3000 bệnh nhân mắc Covid-19 tại bệnh viện dã chiến số 7, vừa tức tốc thành lập Trung tâm điều trị Covid-19 cho bệnh nhân nặng và vừa quy mô 350 giường.

Đến nay Trung tâm Điều trị Covid-19 đã tiếp nhận hơn gần 600 lượt bệnh nhân nặng và vừa, trong đó 142 F0 nặng và vừa đã được xuất viện, gần 200 F0 chuyển nhẹ. Chiến đấu trong tâm bão đại dịch, nhưng những người lính, bác sĩ quân y nơi đây vẫn kiên cường ngày đêm bảo vệ "thành trì", quyết tâm giành giật sự sống cho từng bệnh nhân, kiên định không từ bỏ bất cứ một cơ hội sống dù có mong manh đến mức nào.

Tại buổi làm việc ngày 24/8, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã biểu dương các lực lượng của Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và vừa thuộc Bệnh viện Quân y 175 trong thời gian qua đã thực hiện tốt nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân Covid-19. "Thay mặt Bộ Quốc phòng tôi biểu dương những nỗ lực của những người thầy thuốc mang quân hàm. Tôi cũng đề nghị chúng ta quyết tâm và nhân rộng kết quả của mình. Đây là điểm tựa, niềm tin của cả đất nước và mọi người dân đối với lực lượng quân đội", Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh.

Tinh thần "Quân dân bất diệt" nơi chiến địa mang tên "Bệnh viện tuyến cuối"

Khốc liệt nhất tại bệnh viện tuyến cuối chính là tình trạng bệnh. Hầu hết bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Quân Y 175, Bệnh viện Chợ Rẫy... đều là những ca phức tạp, mang nhiều bệnh lý nền khó và cơ hội sống rất thấp. Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Bệnh viện cho biết trong số những ca tử vong tại bệnh viện, có tới gần 20% mất vì các bệnh nền nguy hiểm, chưa liên quan đến nhu cầu thở máy. "Việc giúp bệnh nhân nặng phục hồi không hề dễ dàng"- Thiếu tướng nhấn mạnh.

Điều này có nghĩa rằng bắt buộc đội ngũ y tế tại Bệnh viện Quân Y 175 phải có kinh nghiệm cao, tay nghề chuyên môn vững.

Ngoài tính kỷ luật quân đội, không có bất cứ một sai sót nào, việc đối mặt với hàng loạt ca bệnh trong tình trạng nặng nề và nguy kịch của bệnh nhân diễn ra từng giờ từng phút là áp lực lớn đòi hỏi các chiến sĩ nơi đây phải có ý chí kiên cường, tinh thần vững chắc để chiến đấu tới phút cuối cùng. Tinh thần bất diệt không cho phép họ chỉ một giây nản lòng, bởi chỉ thiếu một chút quyết tâm cũng có thể đánh mất cơ hội sống cuối cùng của bệnh nhân Covid-19.

Tinh thần Quân dân bất diệt nơi chiến địa mang tên Bệnh viện tuyến cuối - 2

"Thành trì bất bại" củng cố niềm tin, lập chiến công truyền động lực cho tuyến dưới

Khi các ca bệnh ở tuyến dưới trở nên nguy kịch, vượt khả năng điều trị, thì nhiệm vụ bất bại trong từng cuộc chiến giành sinh mệnh cho mỗi bệnh nhân ở bệnh viện tuyến cuối có ý nghĩa vô cùng to lớn. Không chỉ giữ vai trò "thành trì", chỗ dựa cuối cùng, Bệnh viện Quân Y 175 là nơi củng cố niềm tin cho tuyến dưới. Các ca nặng chuyển lên được phục hồi là nguồn động viên tinh thần lớn lao cho y bác sĩ tuyến dưới nỗ lực phấn đấu chữa trị tích cực hơn nữa. Mỗi người bệnh được xuất viện tạo sức mạnh tinh thần, truyền lửa cho đội ngũ chống dịch, là tia hy vọng cho thân nhân, bệnh nhân, lan tỏa niềm tin cho toàn dân trong cuộc chiến Covid-19.

Áp lực, gánh nặng đặt lên bệnh viện tuyến cuối không chỉ rất cao về tình trạng và số lượng bệnh mà đi cùng còn có vấn đề trang thiết bị y tế điều trị ca nặng. Trải qua nhiều ngày, Bệnh viện đã hoàn toàn hết cơ số dự phòng máy thở của bệnh viện và cũng đã chủ động tìm tài trợ máy thở gấp để kịp cứu sống được thêm nhiều bệnh nhân.

Dù Bệnh viện vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ nơi đây không hề suy yếu. Ngược lại, các chiến sĩ tại Trung tâm Covid-19 còn lập thêm chiến công trong việc thực hiện thành công sáng tạo mới trong kỹ thuật ECMO cho 2 bệnh nhân cùng chạy một máy, cấp cứu kịp thời cứu sống hai sản phụ mắc Covid-19 suy hô hấp nguy kịch một cách kỳ diệu. Kỹ thuật này ngay sau đó đã được ứng dụng rộng hơn để cứu chữa thành công nhiều ca nhiễm khác.

Vươn cao vai trò nòng cốt, dẫn dắt tuyến dưới chiến đấu

Vừa qua, TPHCM yêu cầu Bệnh viện Quân Y 175 bổ sung thêm 100 giường lọc máu, nhận lại bệnh nhân từ Bệnh viện Quân dân y miền Đông để bệnh viện này chuyển đổi thành nơi điều trị Covid-19. Lãnh đạo bệnh viện đánh giá gánh nặng của Bệnh viện 175 rất lớn, phân tán nhiều công việc nhưng đơn vị vẫn sẵn sàng và tập trung cho Bệnh viện dã chiến số 7 và đặc biệt là Trung tâm điều trị Covid-19 với 350 giường đang vận hành.

Trước tình cảnh bệnh nhân càng lên tuyến trên cơ hội sống càng thấp, lãnh đạo Bệnh viện Quân Y 175 nhanh chóng bổ sung phác đồ điều trị, hướng dẫn tuyến dưới tìm cách ngăn chặn F0 trở nặng và nguy kịch. Sau khi có các phác đồ điều trị bằng thuốc, lãnh đạo Bệnh viện Quân Y 175 đề nghị Cục Quân y sớm triển khai cho các bệnh viện tuyến dưới, đồng thời cũng đã tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 nhanh chóng cho bệnh nhân bệnh khác đang điều trị tại bệnh viện.

Song song đó, Giám đốc Bệnh viện Quân Y 175 cho biết đã tích cực đàm phán với Đức, Nhật và Isael để tìm nguồn thuốc đặc trị. Ông đề nghị Bộ Quốc phòng cho phép Bệnh viện được chủ động tìm nguồn để sớm có thuốc về điều trị cho bệnh nhân. Trong tương lai, đơn vị này sẽ nghiên cứu áp dụng một số loại thuốc đặc trị, trong đó có liệu pháp điều trị bằng huyết thanh của các bệnh nhân mắc Covid-19 đã khỏi bệnh.

Với tinh thần "Quân dân bất diệt" và trái tim quả cảm, các quân y, y bác sĩ, chiến sĩ tại Bệnh viện Quân Y 175 sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần quyết chiến, truyền động lực cho cả nước, đồng lòng hợp sức cùng toàn dân đưa đất nước vượt qua đại dịch.

Tinh thần Quân dân bất diệt nơi chiến địa mang tên Bệnh viện tuyến cuối - 3