Tinh hoàn ẩn làm tăng nguy cơ ung thư tinh hoàn

Hồng Hải

(Dân trí) - Tình trạng tinh hoàn ẩn được đánh giá là có nguy cơ cao gây ung thư tinh hoàn. Các yếu tố di truyền, người làm một số ngành nghề đặc thù như lái xe đường dài... cũng có nguy cơ cao hơn người khác.

Tinh hoàn là một cơ quan sinh sản đặc thù của nam giới nên ung thư tinh hoàn là một bệnh đặc thù của giới này. Bệnh có thể gặp ở bất cứ nam giới nào, đặc biệt ở nhóm đối tượng nguy cơ cao.

Trong đó, nguy cơ lớn nhất và bị coi là nguy cơ rõ rệt nhất là tình trạng tinh hoàn ẩn. Tinh hoàn ẩn là tình trạng tinh hoàn không nằm trong bìu như bình thường, có thể định cư trong ổ bụng hay trên thành bụng. Đây là nguy cơ cần được lưu ý hàng đầu (với tỷ lệ ~ 2,5-14%).

Tinh hoàn ẩn làm tăng nguy cơ ung thư tinh hoàn - 1

Ung thư tinh hoàn gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống người bệnh (Ảnh minh họa: Getty).

Tinh hoàn ở trong bụng thì nguy cơ mắc cao hơn 4 lần so với ở vị trí trên thành bụng. Do vậy, tất cả những bé trai mà có tinh hoàn ẩn, nên được phẫu thuật ngay để đưa tinh hoàn xuống bìu và cần phải theo dõi tối thiểu là 3-5 năm sau đó.

Chuyên gia Bệnh viện K khuyến cáo, đối với các gia đình mới sinh em bé, cần kiểm tra ngay xem có dị tật bẩm sinh về tiết niệu sinh dục hay không. Với bé trai, cần kiểm tra xem 2 tinh hoàn có nằm trong bìu hay ở vị trí khác. Gặp trường hợp tinh hoàn không xuống bìu thì phải mổ hạ tinh hoàn trước 4 tuổi.

Các yếu tố tuổi tác, di truyền, nghề nghiệp cũng ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh. 

Chuyên gia khuyến cáo nam giới nên thường xuyên kiểm tra tình trạng tinh hoàn theo các hướng dẫn sau:

- Nên thực hiện trong lúc tắm gội. Nước ấm có thể làm bìu mềm hơn, giúp dễ dàng thăm khám.

- Kiểm tra từng tinh hoàn một. Có thể dùng một tay hoặc cả hai tay.

- Tách hai tinh hoàn sang hai bên để quan sát xem có thay đổi gì bất thường hay không.

- Để ngón trỏ và ngón giữa bên dưới tinh hoàn, ngón cái để bên trên, nhẹ nhàng lăn qua lại tinh hoàn trên các ngón tay để cảm nhận xem có u cục gì bên trong tinh hoàn hay không. Thực hiện tương tự ở tinh hoàn bên kia.

- Đồng thời kiểm tra xem có bất thường gì ở thừng tinh và mào tinh hay không.

- Nếu qua thăm khám, bạn phát hiện ra những u cục ở tinh hoàn thì phải đi bác sĩ ngay.

Phát hiện, điều trị sớm các u tinh ở giai đoạn I, tỷ lệ sống sau 5 năm là 98%, ở giai đoạn II là 95% và ở giai đoạn III thì chỉ còn 6%.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm