“Tỉnh càng nghèo đề xuất viện phí càng cao”

(Dân trí) - Đến thời điểm này đã có 50 địa phương gửi đề xuất mức giá 447 dịch vụ y tế, trong đó, đa số đều tăng giá rất cao. Đặc biệt, càng những tỉnh nghèo, quỹ BHYT của tỉnh đã “vỡ” thì càng đề xuất giá cao.

“Tỉnh càng nghèo đề xuất viện phí càng cao”
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Phòng Chế độ Bảo hiểm Y tế, Ban Thực hiện chính sách BHYT-Bảo hiểm xã hội Việt Nam
 
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Phòng Chế độ Bảo hiểm Y tế, Ban Thực hiện chính sách BHYT-Bảo hiểm xã hội Việt Nam trao đổi với phóng viên Dân trí xung quanh việc đề xuất giá viện phí tại các địa phương.

Mức giá không phù hợp!

Thưa ông, đến nay ngoài Bắc Ninh đã có địa phương nào áp dụng giá viện phí mới? Đánh giá của ông về những đề xuất giá viện phí này tại các địa phương?

Đến nay, Bắc Ninh là địa phương đầu tiên thực hiện mức giá viện phí mới. Còn lại, trên trên 20 tỉnh, thành khác đã có sự thống nhất giữa Sở Y tế, Sở Tài chính, cơ quan Bảo hiểm xã hội và đang trình lên HĐND. Ngoài ra, còn 10 tỉnh, thành phố vẫn đang trong quá trình thẩm định, xây dựng mức giá. Gần 20 tỉnh thành gửi đề xuất giá về BHXH VN nhưng đang bị kiến nghị bởi đề xuất mức giá quá cao, không phù hợp.

Cụ thể mức giá các địa phương đề xuất là như thế nào, thưa ông?

Trong số 50 địa phương gửi báo cáo về mức giá dịch vụ y tế, có 10 tỉnh đề xuất mức giá rất cao, tương đương 90-100% (so với khung giá kịch trần mà Bộ Y tế đưa ra), 15 tỉnh có mức giá từ 85-90% mức tối đa.

Trong khi đó, trong hướng dẫn thực hiện giá viện phí mới đã nêu rõ, giá viện phí mới được xây dựng dựa vào cơ cấu, định mức kinh tế - kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành và đặc biệt phải dựa trên thực trạng về chất lượng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực thực hiện các dịch vụ của cơ sở khám chữa bệnh; tình hình kinh tế xã hội và khả năng cân đối quỹ BHYT trên địa bàn.

Nhưng trên thực tế, càng những tỉnh nghèo, vùng núi, vùng sâu vùng xa điều kiện kinh tế khó khăn, quỹ BHYT bội chi lại càng đề nghị mức giá cao. Các địa phương đề nghị mức viện phí cao gồm: Cao Bằng, Lào Cai, Đắc Lắc, Sơn La, Vĩnh Long… Mức giá ở các địa phương này đề xuất cao gần bằng mức kịch trần chỉ được áp dụng cho những BV hạng đặc biệt như BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy, BV Trung ương Huế…. Trong khi đó, một số điạ phương khác có điều kiện kinh tế - xã hội tương đương lại đề xuất mức giá thấp hơn nhiều như: Lạng Sơn (78% so với giá tối đa), Bắc Giang (71%), Lai Châu (70%), Kon Tum (70%) Hà Nam (63%), Hà Tĩnh (74%). Ngay tại Hà Nội, Hải Phòng là hai thành phố mức giá đề xuất cũng chỉ chiếm 73% và 72%. Việc thực hiện giá viện phí mới tại Hà Nội cũng được áp dụng theo lộ trình để giảm sự tác động tới người dân.

Nói cụ thể hơn, như với mức giá khám bệnh mà Bộ Y tế đề xuất được tính khám 35 người bệnh/bàn khám. Trong khi đó, ở các địa phương rất khó đạt được mức khám này nhưng vẫn đề xuất giá tương đương là không công bằng.

Việc các địa phương đua nhau tăng giá kịch trần có tác động như thế nào đến quỹ BHYT cũng như những người dân trực tiếp đi khám bệnh, thưa ông?

Khi tăng viện phí thì 35- 40% người dân chưa có thẻ BHYT sẽ bị tác động mạnh khi đi khám chữa bệnh. Ngay cả những đối tượng đã có thẻ BHYT cũng chịu tác động nhất định bởi họ phải cùng chi trả 5 - 20%. Vì thế, nếu ở các vùng khó khăn mà vẫn phê duyệt mức giá viện phí cao sẽ tác động mạnh tới người dân.

Lại quá tải tuyến Trung ương!

Ngoài sự tác động trực tiếp đến người dân và quỹ BHYT, với mức giá này, liệu có xảy ra tình trạng người dân các địa phương đổ xô về tuyến TƯ khám không, thưa ông?

Theo tôi, chắc chắn điều đó xảy ra nếu các địa phương áp dụng mức giá cao tương đương tại các thành phố, thậm chí nhiều địa phương áp gần bằng mức kịch trần vốn chỉ được thực hiện tại một vài bệnh viện hạng đặc biệt.

Ví như tại Bắc Ninh hiện đang áp dụng giá viện phí mới với mức tăng trung bình bằng khoảng 85% so với khung giá tối đa. Cụ thể, giá ngày giường bệnh tương đương với 89%, giá khám bệnh là 89%, giá các dịch vụ kỹ thuật khoảng 87%... Trong khi đó, ngay tại các bệnh viện của Hà Nội, mức giá tăng trung bình chiếm 73%. Khi đó hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng người dân từ Bắc Ninh sẵn sàng chi thêm một chút tiền tàu xe đổ về Hà Nội khám.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam có giải pháp gì để giảm xu hướng địa phương nào cũng tăng giá kịch trần, thưa ông?

Theo quy định, Bộ Y tế sẽ phê duyệt giá của các bệnh viện trực thuộc Bộ. Còn tại các địa phương, UBND và HĐND các tỉnh, thành phố mới là nơi có toàn quyền trong việc xem xét, phê duyệt giá viện phí mới của các BV thuộc địa phương quản lý.

Trên thực tế, với những địa phương đề xuất mức giá cao, chưa phù hợp, BHXH VN đã yêu cầu cơ quan BHXH các tỉnh báo cáo gửi UBND tỉnh về những bất hợp lý khi xây dựng giá viện phí mới và cả những tác động đến người dân, quỹ BHYT nếu áp dụng giá viện phí đó. Ngoài ra, BHXH VN cũng đã gửi văn bản tới lãnh đạo của các địa phương đó, đề nghị cân nhắc, phê duyệt mức giá phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập bình quân chung của địa phương, bảo đảm có lộ trình thực hiện đến mức giá tối đa. Giá dịch vụ y tế tăng phải tính đến khả năng cân đối quỹ BHYT tại địa phương bởi khi tăng giá, dịch vụ y tế, quỹ BHYT phải chi thêm ít nhất 25%. Mục đích chính cũng là để việc tăng giá dịch vụ y tế không tác động mạnh đến đời sống của người dân mỗi khi đi khám chữa bệnh. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn là của UBND và HĐND tỉnh. Như Bắc Ninh, dù BHXH VN đã có văn bản nhưng mức giá vẫn được thông qua.

Xin cảm ơn ông!


Ông Lê Văn Phúc cho biết, sớm nhất  đến 1/8 mới có khoảng 70% địa phương thực hiện được giá viện phí mới. Vì thế, trong năm 2012 quỹ BHYT vẫn đảm bảo khả năng chi trả. Tuy nhiên, với tốc độ gia tăng chi phí như hiện nay, năm 2013 sẽ có nhiều địa phương bị bội chi quỹ BHYT và tính chung trên cả nước cũng thì quỹ BHYT khó có thể cân đối và sẽ phải đề nghị Chính phủ tăng mức đóng BHYT.

 Hồng Hải (thực hiện)