1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tim mạch can thiệp Việt Nam vươn tầm thế giới

(Dân trí) - “Hiện các kỹ thuật chuẩn đoán và điều trị tim mạch của Việt Nam đã ngang ngửa, bằng và hơn các nước trong khu vực. Riêng tim mạch học can thiệp Việt Nam đang phát triển với tầm cỡ y học thế giới”, GS. TS Phạm Gia Khải- chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam cho biết tại Hội nghị Tim mạch toàn quốc lần thứ IV tổ chức ngày 25/10.

 

Hội trường lớn tại Hội nghị Tim mạch toàn quốc lần IV
Hội trường lớn tại Hội nghị Tim mạch toàn quốc lần IV

Với chủ đề “Giải pháp tốt nhất từ giường bệnh tới can thiệp”, Hội nghị đã thực hiện truyền hình trực tiếp 5 ca can thiệp tim mạch điển hình và 1 ca phẫu thuật từ Bệnh viện Tim Hà Nội đến hội trường...  cùng hàng chục thảo luận chuyên đề có giá trị tại 5 phòng hội thảo giúp các bác sỹ có thể theo dõi và học hỏi trực tiếp những kiến thức về tim mạch can thiệp.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Nhờ ứng dụng các tiến bộ công nghệ và kỹ thuật, tim mạch can thiệp đã trở thành một chuyên ngành điều trị ứng dụng khoa học - kỹ thuật cao. Nhờ tim mạch can thiệp, nhiều bệnh lý tim mạch đã được tìm hiểu kỹ hơn từ cơ chế đến phương pháp điều trị. Thành công này đã giúp hàng trăm nghìn bệnh nhân đã được cứu sống, hàng vạn bệnh nhân đã được chữa khỏi. Tim mạch can thiệp đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như tuổi thọ của người dân Việt Nam”.

Trên thực tế, qua lịch sử 20 năm phát triển chuyên ngành tim mạch can thiệp Việt Nam và 12 năm phát triển của Phân hội Tim mạch học can thiệp Việt Nam, từ một vài thành phố lớn có nhân sự và trang thiết bị cho phòng tim mạch can thiệp, hiện nay ngành tim mạch học can thiệp Việt Nam đã phát triển ở khắp 3 miền: Bắc- Trung Nam với hơn 50 Trung tâm tim mạch can thiệp với hàng trăm bác sỹ có thể thực hiện thành thạo các ca can thiệp khó, nhiều bác sỹ tim mạch can thiệp của Việt Nam đã trở thành các chuyên gia hàng đầu tại Châu Á và Trên thế giới, thường xuyên được mời giảng dạy và chủ tọa tọa đàm, mổ trình diễn ở nhiều Hội nghị tim mạch can thiệp trên thế giới và được mời chuyển giao kỹ thuật cho các nước bạn như Ấn Độ, Philippines, Myanmar, Indonesia...

“Hiện các kỹ thuật chuẩn đoán và điều trị tim mạch của Việt Nam đã ngang ngửa, bằng và hơn các nước trong khu vực. Tim mạch học can thiệp Việt Nam đang phát triển với tầm cỡ y học thế giới. Các kỹ thuật sửa van 2 lá qua da, đóng dù, nong van động mạch phổi.. đã được áp dụng thành công tại Việt Nam, giúp các bệnh nhân không phải ra nước ngoài điều trị tim mạch can thiệp, không phải chịu đựng các ca mổ, đồng thời rút ngắn được thời gian nằm viện.. Điều này không những có ý nghĩa cho chính bệnh nhân mà còn có ý nghĩa về mặt kinh tế xã hội to lớn đối với cộng đồng”, GS. TS Phạm Gia Khải, chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam, nhấn mạnh.

Nhận định về định hướng phát triển của ngành tim mạch trong tương lai, GS Charles Chambers- Chủ tịch Hội Tim mạch Hoa Kỳ khẳng định: Tương lai của ngành tim mạch học can thiệp là vô cùng tươi sáng. Chìa khóa thành công nằm ở bộ óc chứ không phải là đôi bàn tay. Vì vậy việc đào tạo nguốn nhân lực là yếu tố tiên quyết và vô cùng quan trọng.

Đồng quan điểm này, GS.TS Phạm Gia Khải cho rằng: “ Cần có quy hoạch, chương trình, đề án về đào tạo nguồn nhân lực, về nâng cấp các trang, thiết bị kỹ thuật và hội nhập quốc tế, đặc biệt là chuyển giao kỹ thuật cho các tuyến tỉnh tránh tình trạng phải vượt tuyến gây ra những khó khăn về thời gian, tiền bạc... Ngoài ra,cũng phải thường xuyên  trao đổi kỹ thuật tim mạch với các quốc gia có nền y học tim mạch can thiệp phát triển, tăng cường hợp tác giữa các trường đại học - viện nghiên cứu - bệnh viện để phát triển cả bề rộng và bề sâu...Trong đó yếu tố đào tạo nguồn nhân lực phải được quan tâm, chú trọng hàng đầu”.

Hội nghị diễn ra trong ngày 25/10 do Phân hội Tim mạch học Việt Nam phối hợp cùng Hội Tim mạch học Hoa Kỳ và bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức tại TT Hội nghị Quốc Gia (Hà Nội).

Thuý Hồng