Ghép thận từ người chết tim:
Tìm “lối thoát” cho bệnh nhân suy thận mãn
(Dân trí) - Nguồn thận từ người thân và người cho chết não không đủ đáp ứng nhu cầu của hơn 72 nghìn ca suy thận mãn giai đoạn cuối. Để giải quyết khó khăn trên, bệnh viện Chợ Rẫy đang nghiên cứu ghép thận từ người cho chết tim.
Mắc chứng bệnh viêm cầu thận có hội chứng thận hư, sau nhiều năm chạy chữa chị Nguyễn Thị Thanh Nga (37 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh) vẫn rơi vào tình trạng suy thận mãn. Gần 4 năm nay, mỗi tuần 3 buổi chị đều đặn đến bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM chạy thận nhân tạo. Chị tâm sự: “Từ ngày mắc bệnh, tôi chỉ quanh quẩn với thuốc thang và lui tới bệnh viện, công việc làm ăn bỏ bê nên chi phí chạy chữa cho tôi và việc ăn học của hai con chỉ trông chờ vào đồng lương còm cõi của ông xã. Thấy tình trạng sức khỏe của tôi ngày một xấu đi, bác sĩ khuyên nên ghép thận, gia đình nội ngoại hứa sẽ hỗ trợ chi phí ghép nhưng khổ nỗi hai người chị muốn cho thận thì một người cũng mắc bệnh, một người bị thận yếu nên không thể ghép được”.
Tại Hội nghị khoa học về hiến thận sau chết tim, PGS.TS Trần Ngọc Sinh, Trưởng khoa Tiết niệu, bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Phương pháp ghép tạng từ người cho tim ngừng đập đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ thập niên 60 của thế kỷ trước và mang lại hiệu quả tương đối khả quan. Tại Việt Nam phương pháp ghép thận từ người cho sống tiến hành từ năm 1992, đến năm 2008 bắt đầu thực hiện ghép thận từ người cho chết não. Nguồn thận ghép chủ yếu là từ người thân và người cho chết não nhưng lượng thận được cho còn hạn chế, nguồn tạng cho khan hiếm nên số người được ghép còn quá ít so với nhu cầu mong đợi của người bệnh.”
Thống kê cho thấy, cả nước có 12 trung tâm ghép thận nhưng 20 năm qua số người được ghép chỉ khoảng 500 bệnh nhân, chủ yếu từ người cho sống. Người được ghép thận từ người cho chết não đang dừng lại ở con số 20 trường hợp. Phương pháp ghép thận từ người cho chết tim đã được nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Tây Ban Nha, Anh, Úc… áp dụng và đang mở ra “lối thoát” cho người suy thận mãn, tuy nhiên y học trong nước chưa thực hiện.
Trước vấn đề trên, Bộ Y tế chủ trương xây dựng quy trình ghép thận từ người cho tim ngừng đập đầu tiên tại Việt Nam và “đặt hàng” bệnh viện Chợ Rẫy nghiên cứu triển khai đề tài: “Ghép thận từ người cho tim ngừng đập” việc nghiên cứu bắt đầu từ tháng 10 năm 2012 và khép lại vào tháng 10 năm 2014. Đến nay, đề cương chi tiết thực hiện đề tài khoa học này đã được bệnh viện trình lên Bộ Y tế.
Tuy nhiên, việc triển khai ghép tạng trên người cho chết tim sẽ vấp phải không ít khó khăn. Theo TS.BS Lê Thanh Liêm, Trưởng khoa tim mạch, bệnh viện Chợ Rẫy: “Ghép tạng từ người hiến tim ngừng đập khác với ghép tạng từ người hiến chết não. Tạng ở người cho chết tim sẽ kém chất lượng hơn vì lấy khi tim đã ngừng đập, người cho khi đó chết cả về mặt lâm sàng và chết não, tình trạng thông khí, nguồn oxygen đến mô bị cắt đứt do đó tạng được lấy sẽ khó hồi phục.”
Nghiên cứu của các nước trên thế giới cho thấy, chức năng thận chỉ phục hồi tốt nhất khi thời gian thiếu máu nóng kéo dài không quá 30 phút. Vì thế khi phương pháp ghép thận được triển khai cần thiết phải có quy định cụ thể về việc người cho không còn khả năng phục hồi và việc điều trị tiếp là vô ích. Bên cạnh đó là các vấn đề về đạo đức và sự đồng thuận của gia đình người chết có ý nguyện hiến tạng.
Dự kiến, trong thời gian thực hiện đề tài này, bệnh viện Chợ Rẫy sẽ lựa chọn và tiến hành ghép cho trường hợp đầu tiên tại Việt Nam. Trên cơ sở đó sẽ xây dựng các quy trình cụ thể cần thực hiện cho một ca ghép thận từ người cho chết tim. Ngành Y tế kỳ vọng phương pháp này thành công có thể mở rộng hơn nữa nguồn hiến tạng, tăng thêm cơ hội sống cho bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối, đáp ứng tình hình khan hiếm tạng hiện nay, góp phần chống tình trạng buôn bán tạng trên người cho sống và các dạng làm phi pháp khác trong hiến ghép tạng.
Vân Sơn