TPHCM:

Tiêu độc khử trùng “khẩn cấp” phòng cúm gia cầm

(Dân trí) – Ngoài việc triển khai “Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng khẩn cấp để chống cúm gia cầm, thành phố yêu cầu siết chặt quản lý đối với các nhà nuôi chim yến đồng thời “cấm” các cơ sở dịch vụ ăn uống sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc.

Cúm gia cầm đang tồn tại những nguy hiểm khó lường có thể đe dọa trực tiếp đến an toàn thực phẩm và sức khỏe của người dân trên địa bàn thành phố. Ngày 19/3, UBND thành phố đã chỉ đạo các quận huyện tổ chức triển khai thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khẩn cấp để phòng chống dịch cúm gia cầm”.

Trọng tâm của chiến dịch này sẽ tập trung tại các trạm đầu mối giao thông, các cơ sở giết mổ đồng thời giám sát sự lưu hành vi rút cúm A (H7N9, H5N1) trên đàn gia cầm, thủy cầm, chim trời.

Cùng với tiêu độc, khử trùng thành phố yêu cầu các ngành chức năng tăng cường kiểm tra và đề nghị những cơ sở dịch vụ ăn uống phải niêm yết bản cam kết không sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Đối với những điểm nóng về tình trạng kinh doanh gia cầm sống trái phép, ngành thú y và các đơn vị liên quan sẽ niêm yết số điện thoại đường dây nóng vận động người dân tố giác; không mua bán gia cầm lậu. Chấm dứt tình trạng chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học và nuôi gà đá tại các khu vực dân cư.

Thời gian qua trên địa bàn xuất hiện nhiều nhà nuôi chim yến tự phát trong khu vực nội thành và khu dân cư. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà còn tăng nguy cơ lây lan và phát tán dịch bệnh. Thành phố yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ tại các nhà nuôi chim yến và tiến hành lấy mẫu kiểm tra định kỳ, kịp thời phát hiện và xử lý khi có dịch bệnh xảy ra.

Nuôi vịt thả đồng tại Quảng Nam
Nuôi vịt thả đồng tại Quảng Nam

Quảng Nam: Triển khai các phương án ứng phó với dịch

Để thực hiện mục tiêu giảm nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 xâm nhập, đồng thời có thể phát hiện sớm, xử lý ngay nếu xảy ra trường hợp vi rút cúm A/H7N9 đã xâm nhập địa bàn tỉnh, cũng như xử lý kịp thời các ổ dịch cúm A/H5N1 khi mới xuất hiện... UBND tỉnh Quảng Nam giao các sở, ngành liên quan và địa phương triển khai thực hiện các phương án ứng phó.

Theo đó, có 4 tình huống giả định: Chưa phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm, môi trường và trên người; chưa phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm và môi trường nhưng có người mắc bệnh; phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường nhưng chưa có người mắc bệnh; phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường và có người mắc bệnh.

Trên cơ sở những tình huống giả định đó, các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp về truyền thông, kỹ thuật, tổ chức và cơ chế tài chính.

Chiều ngày 19/3, trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam - cho biết, trong đợt dịch cúm vừa qua, trên địa bàn Quảng Nam có 6 xã thuộc 3 huyện là Duy Xuyên, Thăng Bình và Điện Bàn xuất hiện ổ dịch với tổng cộng khoảng 15.000 con gia cầm mắc bệnh buộc phải tiêu hủy.

Tuy có nhiều ổ dịch xuất hiện nhưng theo ông Lê Muộn cho biết: “Mặc dù có một số ổ dịch trong thời gian qua nhưng chưa đủ điều kiện để công bố dịch nên tỉnh chưa công bố dịch cúm trên địa bàn”.

Vân Sơn - Công Bính