Tiêu chảy cấp “nóng”, dân vẫn “nguội”
Từ hai tuần nay, ngành y tế Bắc Ninh lại tập trung dồn lực đối phó với dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm ở 4 huyện Yên Phong, Từ Sơn, Thuận Thành, Tiên Du - nơi mà cách đây không lâu là những điểm nóng.
Lại thịt chó, mắm tôm!
Trưa ngày 23/6, Khu cách ly, BV đa khoa huyện Yên Phong vẫn còn “nguyên vẹn” tất cả 27 bệnh nhân tiêu chảy cấp nhập viện - họ đến rải rác từ trưa 13/6. Tất cả đều vừa trải qua 2 - 3 ngày truyền dịch liên tục, dù mọi người còn khá xanh xao, nhưng đã dần hồi phục. Đáng chú ý là có tới 5 cháu bé dưới 6 tuổi, 6 người già trên 70 tuổi bị tiêu chảy khá nặng và phải truyền dịch nhiều lần.
Điều dưỡng trưởng Khoa nội - nhi - lây - đông y Trần Hải Vĩnh cho biết: “Những ngày đầu tiên, cả Khoa truyền nhiễm không có lúc nào ngơi tay, chỉ tập trung cấp cứu bệnh nhân. Tất cả các giường phải nằm ghép 2 bệnh nhân, có giường phải nằm ghép 3. Các cháu bé cũng không ngoại lệ. Thậm chí, bếp ăn cũ cũng được thu xếp để kê giường”. Ngoài 27 bệnh nhân này, tại BV đa khoa tỉnh cũng đã tiếp nhận 17 trường hợp tiêu chảy cấp, trong đó có 5 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả. Điều đặc biệt là hầu như tất cả bệnh nhân đều là người trong họ của nhau. Bởi tất cả trong số đó đều cùng tham dự một bữa tiệc tân gia, hoặc ăn phần thức ăn được mang về từ bữa cỗ tân gia trưa 12/6 tại nhà ông Nguyễn Đức Lưu.
Ông Ngô Huy Chinh - Chủ tịch, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm xã Dũng Liệt cho biết: “Đến ngày 23/6, tất cả đã có 79 trường hợp trong số khoảng 300 người ăn bữa cỗ, mà thực đơn vẫn là thịt chó, rau sống. Ngay sau khi dịch xuất hiện, xã đã báo cáo với huyện và tỉnh để xét nghiệm nước hồ, nước sinh hoạt để kịp thời phát hiện nguồn bệnh. Kết quả xét nghiệm của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh ngày 19/6 cho thấy, nước hồ đã bị nhiễm vi khuẩn tả.
Phát hiện kịp thời, tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với địa phương làm vệ sinh nước hồ bằng cloramin B. Nhiều người dân cũng đã chủ động mua vôi bột về rắc xung quanh nhà. Tất cả 2.800 khẩu trong 5 thôn Chân Lạc, Lạc Trung, Phù Yên, Phù Cầm đều được uống kháng sinh xiphoroxaxin và azithrominxin dự phòng. Tất cả các gia đình trong xã được phun thuốc diệt ruồi nhằm tránh phát tán nguồn bệnh.
Ý thức vệ sinh quá kém
Theo nhận định của TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế): “Từ đầu năm đến nay, vẫn rải rác có bệnh nhân tả xuất hiện tại một số địa phương. Nguyên nhân do người lành mang trùng và thải ra môi trường. Vẫn còn tình trạng những bữa cỗ tập thể có hàng trăm người ăn, thức ăn để kéo dài nhiều ngày, không được bảo quản hợp vệ sinh. Trong điều kiện đó, không riêng phẩy khuẩn tả lây lan mà các vi khuẩn đường ruột khác rất dễ sinh sôi gây bệnh. Ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch trước khi ăn, người dân cần tránh nước đá làm từ nước chưa đun sôi để nguội”.
Sau những ngày cao điểm, đến nay ở thôn Chân Lạc mỗi ngày chỉ còn 1 - 2 người bị tiêu chảy. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa hết lo ngại, vì môi trường ở xã còn đang ô nhiễm do nước thải từ 5 cơ sở tái chế phế liệu trên địa bàn, đặc biệt là từ một cơ sở tái chế nhựa. Dù họ đã từng cam kết không gây ô nhiễm môi trường.
Mặc dù là ngày mùa, đường thôn ngõ xóm đầy rơm, nhưng mùi rơm mới cũng không át hết được thứ mùi thum thủm từ cống, rãnh trong làng. Men theo con đường dọc xã, nhiều đống rác phế liệu chềnh ềnh. Hiện tại, số hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh cũng mới chỉ khoảng 30%.
Từ cuối năm ngoái đến giữa tháng 3 vừa qua, tỉnh Bắc Ninh đã ghi nhận 234 bệnh nhân tiêu chảy, trong đó có 91 ca dương tính với phẩy khuẩn tả. Nhưng theo ông Nguyễn Văn Luyến - Trưởng phòng kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm Sở Y tế Bắc Ninh: Ý thức vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm của người dân chưa thay đổi đáng kể. Như trường hợp của bà Biện Thị Nhàn (ở xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành) đã bị tiêu chảy cấp có phẩy khuẩn tả từ đợt dịch trước. Vậy mà lần này, bà vẫn tiếp tục có tên trong danh sách những bệnh nhân tiêu chảy mới, sau khi ăn lòng lợn mắm tôm, uống nước đá.
Đến ngày 24/6, tỉnh Bắc Ninh đã xuất hiện 17 xã/phường có bệnh nhân tiêu chảy cấp, trong đó có 8 xã có bệnh nhân tả: 4 xã ở huyện Tiên Du, 2 xã ở huyện Thuận Thành, 2 huyện Từ Sơn và Yên Phong - mỗi nơi có 1 xã.
Theo Ngô Nguyễn
Sức khỏe & Đời sống