Tiết kiệm trên 200 tỷ mỗi năm nếu liên thông kết quả xét nghiệm

(Dân trí) - Theo tính toán của Bộ Y tế, cần giảm được 1% số xét nghiệm thì mỗi năm, chỉ tính riêng số xét nghiệm không phải thực hiện tại các bệnh viện đã là khoảng 4,75 triệu lượt. Nếu tính trung bình mỗi xét nghiệm có giá 50.000 đồng thì đã tiết kiệm được hơn 237 tỷ đồng.

Tiết kiệm tiền, nâng cao chất lượng

Tại hội nghị triển khai tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học, hướng tới liên thông kết quả xét nghiệm diễn ra tại Hà Nội chiều 23/6, ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, theo lộ trình trước ngày 1/1/2018 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I; đến năm 2020 thực hiện liên thông với các bệnh viện trong cùng một địa bàn tỉnh, thành phố. Đến năm 2025 liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.

Bộ Y tế kì vọng việc liên thông xét nghiệm vừa mang lại hiệu quả về kinh tế, vừa góp phần nâng cao chất lượng xét nghiệm.
Bộ Y tế kì vọng việc liên thông xét nghiệm vừa mang lại hiệu quả về kinh tế, vừa góp phần nâng cao chất lượng xét nghiệm.

Thứ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận việc các bệnh viện chưa công nhận kết quả xét nghiệm của nhau gây tốn kém về tiền bạc, thời gian của người bệnh và ảnh hưởng đến cả quá trình khám, chữa bệnh, có tình trạng lạm dụng xét nghiệm.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, hàng năm, chỉ tính riêng số lượt xét nghiệm của các bệnh viện, có khoảng 250 triệu lượt xét nghiệm hóa sinh, hơn 200 triệu lượt xét nghiệm huyết học và khoảng 25 triệu lượt xét nghiệm vi sinh. Tỷ lệ tăng trưởng trong khối xét nghiệm trung bình khoảng 10% mỗi năm.

Việc liên thông xét nghiệm mang lại nhiều lợi ích bởi khi liên thông, các phòng xét nghiệm phải được đánh giá mức chất lượng, phải tiến hành nội kiểm, ngoại kiểm, hiệu chuẩn thiết bị và triển khai thực hiện các giải pháp cải tiến quản lý chất lượng xét nghiệm, qua đó, độ chính xác, tin cậy của xét nghiệm được tăng lên, nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị người bệnh, trong một số trường hợp người bệnh được chẩn đoán sớm hơn. Hiệu quả này không thể tính được bằng tiền.

Khi xét nghiệm có độ tin cậy cao hơn, cơ sở khám chữa bệnh này có thể sử dụng kết quả xét nghiệm của cơ sở khám chữa bệnh khác, một số xét nghiệm không phải làm lại sẽ tránh được lãng phí. Chỉ cần giảm được 1% số xét nghiệm thì mỗi năm, chỉ tính riêng số xét nghiệm không phải thực hiện tại các bệnh đã là khoảng 4,75 triệu lượt. Nếu tính trung bình mỗi xét nghiệm có giá 50.000 đ thì chúng ta đã tiết kiệm được khoảng 237,5 tỷ đồng.

Siết chặt đánh giá chất lượng phòng xét nghiệm

Tuy nhiên, theo PGS Khuê, hiện nay chất lượng xét nghiệm giữa các cơ sở y tế và và giữa các tuyến chưa đồng đều. Vì thế để liên thông được, chất lượng xét nghiệm phải được bảo đảm độ chính xác và độ tin cậy. Bộ Y tế xây dựng tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học; đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm; danh mục xét nghiệm có thể liên thông.

Tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm được chia nhóm thành 12 thành tố liên quan đến chất lượng với 169 tiêu chí cụ thể được tính ra 268 điểm. Căn cứ vào số điểm đạt được kèm với một số tiêu chí bắt buộc sẽ xếp mức chất lượng phòng xét nghiệm;. Có 5 mức chất lượng. Các phòng xét nghiệm sẽ được đánh giá từng tiêu chí và được xếp theo 5 mức này. Mức chất lượng phòng xét nghiệm càng cao thì độ chính xác, độ tin cậy càng lớn.

Theo nguyên tắc, việc liên thông kết quả xét nghiệm chỉ áp dụng cho một số xét nghiệm có thể liên thông được, khi kết quả xét nghiệm đó có giá trị trong một thời gian nhất định. Bệnh viện đó chỉ sử dụng và công nhận kết quả xét nghiệm của bệnh viện khác mà phòng xét nghiệm của bệnh viện khác đó có mức chất lượng tương đương hoặc cao hơn, bệnh viện xét nghiệm cho người bệnh là nơi chịu trách về dịch vụ xét nghiệm mình thực hiện.

“Đặc biệt quan trọng là trong quá trình thực hiện, quyền chỉ định xét nghiệm vẫn là của bác sĩ nếu thấy cần thiết, tất nhiên, việc chỉ định xét nghiệm phải dựa trên tình trạng cụ thể của người bệnh”, PGS Khuê nhấn mạnh.

Được biết bước đầu Bộ Y tế sẽ thí điểm mỗi chuyên ngành sẽ có 2-3 xét nghiệm được liên thông, sau đó từng bước mở rộng, xây dựng các danh mục các xét nghiệm có thể liên thông.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm