Tiếp xúc nhiều lần với tin xấu tốt cho tư duy?

(Dân trí) - Điều gì không làm bạn gục ngã thì thực sự sẽ làm bạn mạnh thêm. Việc tiếp xúc nhiều lần với kích thích tiêu cực có thể trung hòa tác động của kích thích đối với tâm trạng và tư duy. Đó là nghiên cứu của các nhà khoa học Trường Đại học Tel Aviv.

Đối mặt và hiểu rõ tin xấu sẽ giúp bạn đương đầu với tiêu cực dễ hơn

Đối mặt và hiểu rõ tin xấu sẽ giúp bạn đương đầu với tiêu cực dễ hơn
 

 

Hiện nay nhiều người nhất trí rằng tâm trạng không tốt sẽ ảnh hưởng xấu đến hầu hết các khả năng tinh thần. Nghiên cứu tâm lý cho thấy một mẩu tin xấu có thể ám ảnh bạn suốt ngày do hạn chế những quá trình nhận thức cơ bản như nói, viết và tính toán. Nghiên cứu mới đây đã xác định liệu có thể tránh được ảnh hưởng tiêu cực này mà không phải “cách ly” với các phương tiện truyền thông hay không.

 

“Tâm trạng không vui sẽ làm nhận thức trì trệ. Tuy nhiên có thể tránh được tâm trạng xấu này ngay từ đầu bằng cách tập “chai sạn” với kích thích tiêu cực”, Moshe Shay Ben-Haim, tác giả chính của nghiên cứu nói.

 

Để chứng minh giả thuyết này, các nhà nghiên cứu đã cải tiến test Stroop, một trong những công cụ nổi tiếng nhất của tâm lý thực nghiệm để tìm hiểu ảnh hưởng của hai kích thích trái ngược nhau đến thời gian phản ứng của một người. Trong test Stroop nguyên bản, đối tượng được xem một chuỗi những từ in sẵn và được yêu cầu nói tên màu của chữ. Tuy nhiên, bản thân từ đó lại chỉ màu ngược lại (ví dụ từ “đỏ” được in bằng mực xanh), dẫn đến sự “xung khắc” nhất thời với màu của chữ. Điều này gây ra một khoảng trễ trong thời gian phản ứng được gọi là hiệu ứng Stroop.

 

Trong test cải tiến, các nhà nghiên cứu đã thêm một lớp cảm xúc nữa. Không chỉ biểu thị màu sắc trái ngược, chuỗi còn chứa những từ tác động vào cảm xúc, ví dụ như “khủng bố”. Sự đan xen cảm xúc này diễn ra song song với sự đan xen do tên màu trái ngược, dẫn đến khoảng trễ phản ứng, hay hiệu ứng Stroop.

 

Điều ngạc nhiên là khi cùng một từ xuất hiện hai lần thì hiệu ứng Stroop bị rút ngắn, bất kể màu mực là gì. Ví dụ, khi từ “khủng bố” xuất hiện lần thứ hai, đối tượng có thể xác định màu mực mà không có khoảng trễ. Điều này đã đưa các nhà nghiên cứu đến kết luận rằng kích thích cảm xúc tiêu cực sẽ mất tác dụng sau khi gặp lại nhiều lần.

 

Nếu kết luận này là đúng, thì có thể thoát khỏi tâm trạng tồi tệ của một ngày dễ dàng hơn bạn tưởng. “Nếu bạn mở tờ báo trước khi đi làm và đọc được trên trang nhất tin về một vụ đánh bom hay một thảm họa nào đó, thì tốt hơn là hãy đọc kỹ toàn bộ bài báo để “tiếp xúc” nhiều lần với những thông tin không vui. Nhờ đó bạn sẽ trải qua một ngày với tâm trạng tốt hơn mà không bị hiệu ứng tiêu cực chi phối”, các nhà nghiên cứu giải thích.

 

Thùy Linh

Theo medicaldaily