1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tiền giấy - ổ vi khuẩn chứa cả kho bệnh

Một thử nghiệm nho nhỏ tại Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy, trong mỗi gam tiền giấy có hơn 200 triệu vi khuẩn hiếu khí và khá nhiều khuẩn gram âm.

Trên tiền kim loại, lượng vi khuẩn được tìm thấy thấp hơn hàng trăm nghìn lần.

Có một thứ dù biết là rất bẩn nhưng người ta không thể không mang theo người, đó là tiền. Tuy nhiên, đa số chúng ta không biết được đồng tiền thực sự bẩn đến mức độ nào.

Tiến sĩ Nguyễn Bình Minh, Trưởng khoa Vi khuẩn Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, và các cộng sự đã kiểm tra 2 tờ tiền giấy "thối lại" của một người bán thịt, 2 tờ tiền có sẵn trong ví họ và 2 đồng tiền xu.

Họ ngâm chúng vào môi trường nuôi cấy vi khuẩn trong một vài tiếng rồi đem soi trên kính hiển vi. Với cách làm này, rất nhiều loại vi khuẩn chưa đủ thời gian và môi trường để tăng sinh. Mặc dù vậy, họ cũng nhìn thấy dày đặc các loại vi khuẩn như trực khuẩn, tụ cầu, nha bào, có khả năng gây ra các bệnh như tả, thương hàn....

Các chuyên gia đã đếm lượng vi khuẩn và nhận thấy trong một gam tiền giấy có tới 210 triệu vi khuẩn hiếu khí (chỉ hoạt động được trong môi trường có không khí) và 32.000 vi khuẩn gram âm.

Trên 2 đồng tiền xu chỉ có 470 vi khuẩn hiếu khí và không có khuẩn gram âm (có thể môi trường tiền xu không thuận lợi cho nó phát triển). Ngoài ra, trên các đồng tiền còn có nhiều Bacillus, loại vi khuẩn tồn tại trong không khí, chủ yếu gây bệnh đường ruột.

Tiến sĩ Bình Minh nhận xét, bẩn nhất là loại tiền cũ, tiền được trao tay qua quá nhiều người và quá nhiều môi trường ô nhiễm. Ở chợ, tiền vòng từ hàng thịt qua hàng rau, lại chạy tới hàng tôm cá rồi tạp phẩm. Mọi tờ tiền đều cực kỳ bẩn với vô số vi khuẩn. Tiền mệnh giá càng nhỏ càng nhiều vi khuẩn do được lưu thông nhiều hơn.

"Ai đứng ở cửa kho chứa tiền cũ nát chuẩn bị tiêu hủy của ngân hàng mới thấy tiền bốc mùi hôi thối như thế nào" - ông Nguyễn Văn Toản nói.

Ông Nguyễn Văn Toản, Phó cục trưởng cục Phát hành kho quỹ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết, bẩn nhất là loại tiền giấy cotton do đặc tính thấm hút và lưu giữ tạp khuẩn rất cao. Trong các kho chứa tiền đợi tiêu hủy, chỉ sau một vài ngày, nấm mốc đã sinh sôi nảy nở, tiền bốc mùi hôi thối. Tiền polymer và tiền xu sạch hơn vì ít tính thấm hút nên vi khuẩn không có nhiều điều kiện lưu cữu, giảm khả năng lây lan các bênh tật.

Hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn thường xuyên thu đổi tiền cũ cho dân. Nhưng tiêu chuẩn thu đổi quá thấp, chỉ áp dụng với những đồng tiền gần như không thể sử dụng được nữa như rách nát, bị viết vẽ nhiều, có vết ố bẩn đậm. Người dân cũng không có thói quen đổi tiền cũ vì tâm lý ngại ngần và do khoảng cách giữa ngân hàng với hầu hết người dân, nhất là dân nghèo, vẫn còn xa xôi.

Làm thế nào để tiền đỡ bẩn?

Tiến sĩ Bình Minh cho biết, các chuyên gia vệ sinh dịch tễ thường sát khuẩn bằng một số hóa chất và đèn chiếu tia cực tím. Nhưng với tiền, điều này thật khó khả thi, bởi tiền không bao giờ nằm yên một chỗ mà luôn luân chuyển.

Theo bà Minh, việc khử khuẩn nên được làm định kỳ tại các ngân hàng có chức năng phát hành và lưu thông tiền mặt. Tuy nhiên, với lượng tiền quá lớn, điều này rất khó thực hiện. Vì vậy, cách tốt nhất là mỗi người nên rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với tiền.

Còn ông Toản cho rằng, việc phát hành tiền polymer và kim loại, đồng thời giảm sử dụng các loại hình thanh toán không bằng tiền mặt có thể hạn chế nguy cơ. Tuy nhiên, cách đơn giản, hiệu quả và văn minh nhất vẫn là tập thói quen bảo vệ đồng tiền cẩn thận, tránh để nó tiếp xúc với môi trường bẩn thỉu.

Theo Khoa Học & Đời Sống