1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thuốc và những giai đoạn phát triển của trẻ

(Dân trí) - Cơ thể trẻ em có những đặc điểm riêng biệt và là một cơ thể đang phát triển, do vậy đáp ứng với thuốc không hoàn toàn giống như người lớn.

Giai đoạn sơ sinh

 

Đây là giai đoạn trưởng thành các chức năng sinh lý. Tỷ lệ nước trong cơ thể khá cao, đặc biệt là trẻ đẻ non.

 

Giai đoạn này trẻ cũng phát triển nhanh, có nhiều thay đổi về chuyển hoá và thải trừ thuốc, vì vậy với từng bệnh nhi cụ thể sẽ có điều chỉnh riêng về liều điều trị.

 

Ở thời kỳ này, trẻ dung nạp với các tác dụng phụ của thuốc kém, đồng thời cũng khó phát hiện độc tính của thuốc.

 

Giai đoạn này cha mẹ cần thận trọng, không được tự ý cho trẻ dùng thuốc dù bất cứ lý do nào. Ngay cả việc dùng thuốc ở người mẹ cũng có thể ảnh hưởng đến trẻ qua nguồn sữa mẹ.

 

Giai đoạn trẻ còn bú (1 tháng - dưới 1 tuổi)

 

Các chức năng sinh lý vẫn như giai đoạn sơ sinh nhưng tỷ lệ các thành phần dịch trong cơ thể thay đổi nhanh, đặc biệt là tỷ lệ nước trên cân nặng phần nào ảnh hưởng đến phân bổ thuốc trong cơ thể.

 

Vì vậy, trong giai đoạn này, nều cần uống thuốc, liều lượng thuốc phải được tính toán rất kỹ lưỡng bởi các bác sĩ chuyên khoa nhi. Liều lượng thuốc cần được tính theo mg/kg hoặc mg/m2 cơ thể.

 

Đặc biệt, với những trường hợp như rối loạn chức năng gan, thận, trẻ đẻ non thì cần phải điều chỉnh liều.

 

Khi bé bị bệnh, bạn hãy đưa con đến bác sĩ chuyên khoa. Vì không chỉ cần tính toán kỹ liều lượng thuốc, mà căn cứ vào mức độ nặng, nhẹ của bệnh bác sĩ sẽ phải có những điều chỉnh thích hợp.

 

Trước tuổi đi học (từ 1 - 6 tuổi)

 

Các bà mẹ cần lưu ý, ở giai đoạn này, trẻ có nguy cơ bị ngộ độc thuốc rất cao. Nguyên nhân là do ở tuổi này, trẻ hiếu động, thích tìm hiểu các vật xung quanh nên thường tự ý ăn hoặc uống thuốc nếu người lớn để thuốc trong tầm tay của trẻ. Do vậy, hãy để thuốc vào ngăn tủ và khoá lại, đừng bao giờ cho trẻ chơi đùa với thuốc, kể cả các loại thuốc bổ, vitamin.

 

Ở tuổi này, trẻ có những phát triển nhanh cả về vận động và tinh thần, nhưng rất khó khăn cho trẻ uống thuốc do mùi vị khó chịu của thuốc hoặc do trẻ không hợp tác. Vì lý do này, nhiều bà mẹ đã bịt mũi bắt trẻ há miệng rồi cho uống thuốc. Điều này rất nguy hiểm vì trẻ có thể bị sặc.

 

Trẻ thiếu niên

 

Lứa tuổi này trẻ đã dễ uống thuốc hơn so với trẻ từ 1 - 6 tuổi. Giai đoạn này, cơ thể trẻ tăng chuyển hoá, tăng thải trừ một số thuốc và độ thải trừ thuốc xảy ra nhanh hơn so với người lớn ngay cả khi dùng 1 liều duy nhất. Do vậy việc dùng thuốc không được tuỳ tiện mà cần theo hướng dẫn của thầy thuốc.

 

Tuổi thanh niên

 

Đến tuổi dậy thì, cơ thể trẻ sẽ có những thay đổi về hình thái cũng như thành phần dịch cơ thể có ảnh hưởng tới chuyển hoá thuốc. Hơn nữa, những thay đổi về tâm lý, hành vi. những trẻ hút thuốc lá, hoặc dùng chất kích thích khác như rượu và chất ma tuý có thể dẫn đến thay đổi chuyển hoá thuốc hoặc tương tác thuốc.

 

Tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định ở tuổi này cũng có những vấn đề như trẻ có thể uống thuốc không đủ liều hoặc quá liều, hoặc uống không đúng với thời gian cần dùng trong ngày.

 

Tóm lại, cơ thể trẻ luôn có sự phát triển, biến đổi từng ngày, cha mẹ tuyệt đối không tự ý cho con uống thuốc, dùng lại đơn thuốc cũ (kể cả trong trường hợp trẻ bị bệnh giống lần bệnh trước, vì có thể ở lần bệnh sau, trẻ đã lớn hơn, liều lượng thuốc cũng phải khác)…

 

Khi trẻ bị bệnh, tốt nhất nên đưa trẻ tới bác sĩ chuyên khoa sớm nhất.

 

TS Nguyễn Tiến Dũng

(Phó trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai)

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm