1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thuốc từ các loài hoa

Với vẻ đẹp quyến rũ và hương thơm hấp dẫn, hoa luôn đem tươi vui đến cho mọi nhà. Nhưng ít người nghĩ rằng hoa còn có tác dụng phòng và chữa bệnh rất công hiệu.

Hoa thiên lý: Vị ngọt, tính bình, thường được dùng dưới dạng thức ăn - vị thuốc rất phổ biến trong dân gian. Hoa nấu với thịt hoặc rau khổi và lá non mướp đắng vừa có tác dụng giải nhiệt, tiêu khát, làm bớt mệt mỏi, lao lực, vừa bổ dưỡng, giảm sốt, an thần, giúp dễ ngủ và ngủ ngon.

Hoa hòe: Được dùng dưới dạng nụ với tên thuốc là hòe hoa hay hòe mễ. Nụ có màu vàng lục, thu hái vào buổi sáng, đem phơi nắng nhẹ và thật nhanh cho khô. Theo kinh nghiệm dân gian, những chùm hoa đã có 5-10 hoa nở để hái nụ là tốt nhất. Dược liệu có màu vàng ngà, vị hơi đắng, tính mát, có tác dụng hạ huyết áp, cầm máu. Khi huyết áp tăng, lấy hòe mễ (8-16 g) sắc với 200 ml nước còn 50 ml, uống một lần trong ngày. Người cao tuổi bị tăng huyết áp dùng hòe mễ rất tốt, vừa nhẹ nhàng, êm dịu, vừa làm bền chắc thành mao mạch, chống hiện tượng phình vỡ, xuất huyết.

Hoa hòe dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác theo công thức sau:

Hòe mễ (10 g, sao thơm), hạ khô thảo (12 g, sao vàng), cúc hoa vàng (5 g, sấy khô, vò nát vụn); trộn đều, hãm với một lít nước sôi trong 15 phút, uống làm nhiều lần trong ngày.

Hòe mễ (100 g, sao vàng), hạt muồng (100 g, sao đen), trộn đều, tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày dùng 2-3 lần, mỗi lần 5 g, hãm uống.

Hoa kinh giới: Chính là cụm hoa đã nở kèm theo 1-2 lá ngọn, được dùng với tên thuốc là kinh giới tuệ. Kinh giới tuệ sống có tác dụng thanh nhiệt, tán ứ, giải độc, tiêu viêm.

Kinh giới tuệ và rễ bạch chỉ (lượng bằng nhau) phơi khô, tán bột, ngày uống hai lần, mỗi lần 4-8 g với nước chè nóng giúp chữa cảm lạnh, nhức đầu, chảy nước mũi.

Kinh giới tuệ (12 g); bồ công anh, mã đề, kim ngân, ké đầu ngựa, cam thảo nam, thổ phục linh mỗi thứ 10 g, thái nhỏ, sắc uống, chữa mụn nhọt.

Kinh giới tuệ sao đen có tác dụng cầm máu chữa rong huyết, băng huyết (kinh giới tuệ 12 g, gương sen 20 g, ngải cứu 12g, cỏ nhọ nồi 12 g, rau má 20 g, sắc uống); đại tiện ra máu (kinh giới tuệ và hòe hoa sao đen lượng bằng nhau, tán nhỏ, mỗi lần uống 12 g với nước sắc lá bạc hà); chữa kinh nguyệt ra nhiều (kinh giới tuệ và bồ hóng sao cháy hết khói, tán nhỏ, mỗi lần uống 8 g với nước chè).

Hoa đại: Được thu hái ngay tại cây hoặc đã rụng (không dùng hoa đã ruỗng nát), hong ở chỗ thoáng mát hoặc phơi sấy nhẹ đến khô. Nhiều người cho rằng hoa đại khô có tác dụng mạnh hơn hoa tươi. Dược liệu có màu vàng nâu, vị ngọt, mùi thơm nhẹ, tính bình.

Hoa đại khô (6-12 g) sắc với 200 ml nước còn 50 ml, uống một lần chữa bệnh tăng huyết áp. Tác dụng hạ huyết áp của hoa đại xuất hiện nhanh và khá bền vững, lại không độc. Có thể dùng phối hợp với các vị thuốc khác theo công thức “chè giảm áp” của Bệnh viện Trung ương quân đội 108 như sau: Hoa đại 100 g, hoa cúc vàng 50 g, hòe hoa 50 g (sao vàng), hạt muồng 50 g (sao đen). Tất cả phơi khô, tán thành bột chia thành gói 10 g. Mỗi ngày dùng 1-2 gói hãm uống. Thuốc còn có tác dụng an thần, gây ngủ nhẹ.

Nước sắc hoa đại còn chữa cảm sốt nhẹ, ho có đờm, kiết lỵ, bệnh tiêu chảy (hemophilia)

Hoa khế: Vị chua, chát, hơi ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, diệt khuẩn, giảm ho. Hoa khế 12 g, tẩm nước gừng rồi sao, sắc uống chữa chứng ho khan, ho có đờm, kiết lỵ (tính chất giống vị ngũ vị tử).

Hoa khế 8 g phối hợp với hoa kim ngân 8 g, lá dành dành 8 g, cỏ nhọ nồi 8 g, cam thảo 4 g, bạc hà 4 g; tán nhỏ, rây bột mịn, mỗi lần uống 4 g, chữa sốt cao lên kinh giật ở trẻ em.

Hoa khế 16 g, rễ cây canh châu 16 g, thái nhỏ, sao vàng, sắc với 200 ml nước còn 50 ml, uống làm một lần trong ngày, chữa đậu, sởi.

Theo DS Đỗ Huy Bích
Sức Khỏe & Đời Sống