Thuốc Truvada - Tín hiệu mới trong phòng tránh HIV

Trước thông tin dùng thuốc kháng vi-rút Truvada làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho người khỏe mạnh, ông Đỗ Hữu Thủy, Trưởng phòng truyền thông và huy động cộng đồng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), khẳng định đây là tín hiệu khả quan trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS trên toàn cầu.

 

Thuốc Truvada - Tín hiệu mới trong phòng tránh HIV - 1

Ông Đỗ Hữu Thủy - Trưởng phòng Truyền thông và Huy động cộng đồng, Cục Phòng chống HIV/AIDS

  

Ông Thủy nói: “Bản chất của Truvada là sự kết hợp của hai loại thuốc kháng vi-rút Tenofovir 300mg và Emtricitabine 200mg. Truvada đang được nhiều nhà khoa học nghiên cứu về khả năng dự phòng lây nhiễm HIV. Một số nghiên cứu cho thấy Truvada có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục từ 60-78%. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới dừng ở thử nghiệm lâm sàng. Để khẳng định giá trị phòng bệnh của thuốc, cần có phân tích sâu hơn về mối liên quan giữa hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV, với sự tuân thủ điều trị hay do áp dụng các biện pháp tình dục an toàn khác. Trong báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ, nơi thực hiện nghiên cứu, các tác giả cũng cho biết tất cả những người tham gia nghiên cứu đều được tư vấn về tình dục an toàn và sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.

 

Dùng thuốc điều trị HIV để dự phòng lây nhiễm có phải là xu hướng nghiên cứu mới?

 

Quan điểm sử dụng thuốc kháng HIV để dự phòng không phải là vấn đề mới trong phòng chống HIV/AIDS. Ngày nay, các nhà khoa học đã khẳng định nếu một người nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng virut sẽ giảm nồng độ virut trong máu, làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho bạn tình. Ngay việc sử dụng thuốc kháng vi-rút để điều trị dự phòng phơi nhiễm nghề nghiệp (ví dụ cho nhân viên y tế) cũng là một sự khẳng định về quan điểm điều trị để dự phòng.

 

Việc áp dụng dùng thuốc điều trị để phòng lây nhiễm HIV cho tất cả các quốc gia - nếu có - sẽ được thực hiện trên những nguyên tắc nào?

 

Đến nay thế giới chưa có thuốc điều trị triệt để cũng như vắc-xin dự phòng lây nhiễm HIV, nên các nhà khoa học luôn mở ra nhiều hướng nghiên cứu khác nhau về dự phòng và điều trị HIV. Nghiên cứu nào cũng được đón nhận, nhưng việc áp dụng nó trong thực tế luôn cần thời gian kiểm định chặt chẽ. Ngay như nghiên cứu vắc-xin phòng chống HIV được thử nghiệm tại Thái Lan đã công bố khả năng phòng bệnh khoảng 30%, nhưng chưa thể áp dụng phổ cập được.

 

Nguyên tắc để triển khai đại trà một loại vắc-xin là nó phải đạt được khả năng phòng bệnh tối thiểu đến 80%. Ngay cả khi có quyết định áp dụng thì không phải ai cũng dùng thuốc được. Không giống như trường hợp phòng ngừa khẩn cấp (như viên uống tránh thai), uống 1-2 viên trước/sau khi quan hệ tình dục là đinh ninh mình an toàn, thuốc dự phòng phải sử dụng liên tục hằng tháng. Cũng lưu ý thuốc kháng vi-rút là thuốc, nên ngoài tác dụng chính còn có tác dụng phụ không mong muốn buộc người bệnh phải tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của thầy thuốc.

 

Theo Ngọc Hà

Tuổi trẻ