Thuốc trị sỏi thận thế hệ mới có thể khiến ung thư “chết đói”
(Dân trí) - Một nghiên cứu mới đến từ Đại học Columbia (Mỹ) đã chỉ ra rằng, loại thuốc điều trị sỏi thận, đang được phát triển, có thể được sử dụng để chống lại ung thư tuyến tụy.
TS Kenneth P. Olive – Đại diện nhóm tác giả cho biết: “Kết quả của nghiên cứu này đã mang đến cho chúng tôi rất nhiều động lực. Ung thư tuyến tụy vốn dĩ là một bệnh có nguy cơ tử vong cao. Người được chẩn đoán mắc loại ung thư này trung bình chỉ sống thêm 6 tháng. Do đó, việc tìm ra phương pháp điều trị tối ưu hơn là rất cần thiết”.
Khối u ung thư tụy cần phải được hấp thu cysteine (một loại axit amin) để tồn tại. Do đó, nhóm tác giả đã đưa ra giả thuyết rằng, có thể làm chậm sự phát triển của khối u bằng cách nhắm vào quá trình hấp thu cysteine của khối u.
Chiến thuật bỏ đói các tế bào ung thư tụy này đã cho kết quả. Trong nghiên cứu trên chuột, sau khi các chuyên gia bất hoạt gen kiểm soát việc hấp thu cysteine, đồng nghĩa với việc cắt đứt nguồn cung cysteine cho ung thư, khối u đã ngưng phát triển và thời gian sống trung bình của những chú chuột này đã tăng lên gấp đôi.
Nhóm tác giả cũng thu được kết quả tương tự khi cho chuột hấp thu cysteinase – Một loại thuốc thử nghiệm có khả năng phân hủy cysteine trong máu, thay vì phải chỉnh sửa gen. Được biết cysteinase là loại thuốc đang được phát triển bởi các nhà nghiên cứu đến từ đại học Texas, với mục đích điều trị cystinuria, một bệnh di truyền gây sỏi thận và sỏi đường tiết niệu từ chính hàm lượng cysteine cao trong máu. Các nghiên cứu trước đây cũng cho thấy rằng, tế bào ung thư tụy ở người cũng phụ thuộc vào cystein. Khi thêm cysteinase vào các tế bào này trong mô nuôi cấy, chúng đã bị chết vì mất nguồn cung dưỡng chất, hiện tượng tương tự như thí nghiệm trên chuột.
Phân tích rõ hơn về quá trình này, nhóm tác giả cho biết: “Sau khi không còn được cung cấp cysteine, các tế bào ung thư tụy đã bị giết chết bởi một quá trình gọi là ferroptosis. Cụ thể, ferroptosis là một dạng chết theo lập trình của tế bào, gây ra bởi tổn thương do quá trình oxi hóa ở màng tế bào. Chúng tôi đang có kế hoạch tiến hành thử nghiệm để xem liệu hiệu quả của cysteinase có được tăng lên khi kết hợp chúng cùng các phương pháp điều trị ung thư khác như liệu pháp miễn dịch”.
Vì nghiên cứu chỉ dừng lại ở thí nghiệm trên chuột, nên nhóm tác giả vẫn chưa thể khẳng định, các tế bào ung thư tụy ở người cũng sẽ chết theo con đường ferroptosis, sau khi mất đi nguồn cung cysteine. Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng sử dụng cysteinase để điều trị chứng rối loạn chuyển hóa ở bệnh nhân mắc cystinuria, sắp sửa được tiến hành, có thể cùng cấp nhiều thông tin quan trọng để xác minh nghi vấn này.
Phương pháp điều trị ung thư tụy thông qua con đường cysteine là rất hứa hẹn, bởi việc thiếu hụt loại axit amin này cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến các tế bào khỏe mạnh. “Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, hầu hết các tế bào bình thường trong cơ thể người yêu cầu một lượng rất nhỏ cysteine. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi chính là dựa vào sự khác biệt giữa tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh, để phát triển phương pháp điều trị có tác dụng mạnh với ung thư, nhưng lại an toàn với phần còn lại của cơ thể” - TS Kenneth P. Olive nhấn mạnh.
Minh Nhật
Theo MedicalXpress