“Thuốc tiên”: dao hai lưỡi!

Hoóc-môn thay thế được nhiều phụ nữ xem là thuốc tiên, có thể giúp điều chỉnh một số rối loạn mãn kinh nhưng cũng đem đến những nguy cơ tiềm ẩn.

Những rối loạn tuổi mãn kinh khiến phụ nữ gặp không ít phiền toái, ảnh hưởng về thể chất lẫn chất lượng sống. Do đó, trong những năm gần đây, hormone thay thế - thứ mà nhiều phụ nữ xem như liều thuốc tiên để kéo dài thanh xuân - khá được ưa chuộng. Tuy nhiên, hormone thay thế có thể trở thành con dao hai lưỡi nếu không được áp dụng đúng chỗ, dưới sự chỉ định của bác sĩ (BS) chuyên khoa và với chế độ kiểm tra sức khỏe nghiêm ngặt.

 

Khổ vì mãn kinh

 

Theo BS Vũ Xuân Thọ, Trưởng Khoa Phụ Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM), mãn kinh là hiện tượng sinh lý bình thường của phụ nữ, xảy ra ở độ tuổi trung bình là 48. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mãn kinh rất sớm hoặc rất trễ. Nguyên nhân chính của mãn kinh là do sự thiếu hụt hoặc mất hẳn estrogen từ buồng trứng tiết ra và sự gia tăng FSH - kích dục tố tuyến yên theo cơ chế điều khiển ngược. Tuy nhiên, không thấy kinh trong một thời gian dài vẫn chưa chắc đã mãn kinh mà phải đủ 2 điều kiện: Mất kinh 1 năm trở lên và nồng độ FSH trong máu trên hoặc bằng 40 UI/ml.

 

Phụ nữ nên tập thể dục đều đặn để kéo dài tuổi xuân

Phụ nữ nên tập thể dục đều đặn để kéo dài tuổi xuân

 

“Quá trình này khiến phụ nữ gặp nhiều rắc rối như thay đổi tính tình, dễ cáu gắt, nóng giận, bị bốc hỏa, khó ngủ, hay quên, trầm cảm; tóc khô, dễ gãy, rụng nhiều; da khô, nhăn nheo; tiểu khó, tiểu nhiều lần trong đêm; âm hộ, âm đạo khô khiến khó hoặc đau khi giao hợp, giảm ham muốn; thay đổi không mong muốn về vóc dáng…” - BS Thọ cho biết. Theo các thống kê, khoảng 20% phụ nữ mãn kinh gặp nhiều phiền toái vì những rối loạn kể trên, 80% còn lại có thể thích nghi tốt hơn với thay đổi về nội tiết nên ít gặp các rối loạn.

 

Nhiều cách giải quyết

 

Theo BS Thọ, có nhiều cách làm giảm các triệu chứng rối loạn mãn kinh và “thuốc tiên” mà nhiều phụ nữ truyền miệng nhau ngày nay chỉ là giải pháp cuối cùng khi các biện pháp khác kém hiệu quả. Hormone thay thế - HRT có thể là hormone estrogen thay thế (ET) hoặc phối hợp cả estrogen và progesteron (EPT). Khi sử dụng HRT, cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ mang lại.

 

Trong quyển Kỳ diệu dàn hòa tấu nội tiết, GS-BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cũng đề cập tính chất 2 mặt của HRT: “Vào những năm 1990, chính quyền Mỹ bảo trợ 2 công trình nghiên cứu liệu pháp hormone thay thế. Nghiên cứu nghiêm túc có 16.000 phụ nữ tham gia (năm 2002) cho thấy các thuốc kết hợp estrogen và progestin làm tăng nguy cơ ung thư vú, cơn đột quỵ và máu đóng cục. Thuốc làm giảm chứng loãng xương và giảm ung thư ruột. Lợi bất cập hại”.

 

Ngoài ra, ông Hùng cũng đưa ra khuyến cáo của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA): Nên dùng HRT ở liều thấp nhất trong thời gian ngắn nhất. HRT tuy giúp phụ nữ giảm loãng xương, ngừa gãy xương, ngừa các phiền toái khác như cơn nóng bừng, khô âm đạo, ngủ ngon, thoải mái hơn, bớt bứt rứt, da mềm mại hơn nhưng phải cẩn thận và cần hỏi kỹ BS có nên dùng hay không.

 

Theo BS Thọ, có những biện pháp đơn giản để khắc phục các rối loạn mãn kinh. Để đối phó với thay đổi về tâm tính, nên thực hành các kỹ thuật giảm stress như thư giãn, tập hít thở sâu, xoa bóp, đồng thời có chế độ ăn phù hợp (ăn thêm cá, giảm ăn béo, bổ sung canxi, vitamin B6-D-E, giảm khẩu phần muối và carbohydrate, ăn nhiều rau xanh, không nên uống rượu, hút thuốc…).

 

Ngoài ra, cần uống nhiều nước, tránh các thực phẩm mang tính axít cao và đồ uống có gaz, tập các bài thể dục làm khỏe cơ sàn chậu để tránh các rối loạn tiểu tiện; ngủ nơi thoáng mát, chuẩn bị khăn vải mềm để lau nếu bị khó chịu về chứng ra mồ hôi đêm; khắc phục rối loạn giấc ngủ bằng cách tạo giấc ngủ đều đặn, thư giãn trước khi ngủ bằng cách đọc sách hoặc nghe nhạc, tránh uống cà phê, rượu trước giờ ngủ…

 

Nếu gặp rắc rối về tình dục như chứng khô âm đạo có thể sử dụng các chất bôi trơn chuyên dụng, tuyệt đối không tự “sáng tạo” ra chất bôi trơn từ các loại mỹ phẩm, dung dịch không đúng chức năng… “Trong trường hợp phải dùng đến hormone thay thế, nhất thiết phải đến BS phụ khoa để được khám và sử dụng đúng” - BS Thọ nhấn mạnh.

 

Các chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo đối với những người đang sử dụng hormone thay thế: Nên kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng như tiến hành tầm soát ung thư vú. Nên đến BS kiểm tra ngay nếu cơ thể gặp những thay đổi khó chịu sau khi sử dụng hormone.
 

 Nên sống lành mạnh

 

Theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, phụ nữ đến tuổi mãn kinh nên ăn các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật và đậu nành, một số hạt đậu, trà xanh…; không nên ăn dư thừa năng lượng. Nên sống năng động, mỗi ngày nên tập thể dục 30-60 phút, thường xuyên vận động chân tay như làm việc nhà hay đi bộ, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, lối sống lành mạnh và lạc quan.

 

Những điều nêu trên sẽ giúp hạn chế các rối loạn mãn kinh, tăng cường sức khỏe để cơ thể thích nghi tốt hơn với các thay đổi trong giai đoạn này.

 

Theo Phạm Đào

Người lao động