Thuốc tễ, lá sen khô từng khiến nhiều bệnh nhân tiểu đường nhập viện nguy kịch

(Dân trí) - Ths.BS Tạ Xuân Trường, Phó trưởng khoa Nội tổng hợp (BV Đa khoa Nông nghiệp) cho biết, người bệnh tiểu đường thường xuyên nghe “mách” về những phương pháp đồn thổi vô căn cứ. Nhiều bệnh nhân từng bỏ thuốc điều trị, uống thuốc tễ xanh đỏ, uống nước lá sen khô… và phải nhập viện trong tình trạng đường huyết cao vọt, thậm chí hôn mê.

Tại buổi sinh hoạt tròn 1 năm CLB Bệnh nhân Tăng huyết áp, Đái tháo đường BV Đa khoa Nông nghiệp, BS Trường chia sẻ những sai lầm mà bệnh nhân tiểu đường thường mắc phải.

“Trong gần 7000 bệnh nhân tiểu đường, tăng huyết áp bệnh viện đang quản lý ngoại trú, thì có tới 2/3 bệnh nhân mắc cùng lúc hai bệnh này. Vì thế, điều trị quan trọng nhất là kiểm soát soát đường máu, mỡ máu, huyết áp cao, kiểm soát biến chứng tiểu đường.

Nhưng nhiều người lại sợ thuốc nên cứ nghe mách bảo dùng loại thuốc nam, thuốc tễ, thực phẩm gì tốt cho bệnh nhân tiểu đường là tin tưởng dùng, bỏ thuốc điều trị rất nguy hiểm”, BS Trường nói.

Sai lầm bệnh nhân hay mắc phải nhất, đó là dùng các loại thuốc tễ xanh đỏ (thực tế nhiều loại do các cơ sở mua thuốc tây tán ra rồi đóng viên bán cho bệnh nhân), rồi ngày ngày uống nước lá sen khô để hạ đường máu nhưng bỏ thuốc rất nguy hiểm.

Ngoài ra, nhiều bệnh nhân tiểu đường sợ cơm, coi cơm như nguyên nhân gia tăng đường huyết khiến họ không dám ăn, chỉ ăn nhiều đạm và rau xanh với mong muốn giảm đường huyết. Trong khi đó, việc ăn nhiều đạm, cắt bỏ cơm khiến dinh dưỡng không cân đối, không tốt cho bệnh nhân tiểu đường.

Tuy nhiên, từ khi tham gia CLB bệnh nhân tăng huyết áp, tiểu đường, việc sinh hoạt định kỳ hàng tháng, các bệnh nhân không chỉ được chia sẻ kiến thức từ bác sĩ, mà còn được chính người bệnh chia sẻ thông tin với nhau nên đã giảm được tình trạng này.

Sau lần suýt chết vì huyết áp tăng vọt do bỏ thuốc, ông Quỹ đã chấn chỉnh, điều trị đúng chỉ định, dinh dưỡng hợp lý và tập luyện đều đặn. Ảnh: H.Hải
Sau lần suýt chết vì huyết áp tăng vọt do bỏ thuốc, ông Quỹ đã "chấn chỉnh", điều trị đúng chỉ định, dinh dưỡng hợp lý và tập luyện đều đặn. Ảnh: H.Hải

Ông Trần Văn Quỹ đã mắc tiểu đường 10 năm nay chia sẻ câu chuyện ông suýt chết khi mới được chẩn đoán tiểu đường, tăng huyết áp.

“Đi khám, bác sĩ giải thích, kê đơn, tôi cứ lặng lẽ ra điều tuân thủ. Nhưng khi về nhà vừa uống thuốc vừa nghe ngóng. Nghe ai giới thiệu bất cứ bài thuốc gì, phương pháp gì để hạ đường huyết, giảm huyết áp là tôi nghe theo.

Và hậu quả sau khi bỏ thuốc vài ngày, tôi thấy đầu óc quay cuồng, đi không nổi. Con cái đã vội mời bác sĩ đến nhà đo huyết áp lên đến 210, bác sĩ đã nhỏ thuốc hạ huyết áp vào miệng cấp cứu, huyết áp hạ rồi mới đến viện. Đó là một sai lầm không bao giờ tôi quên và luôn chia sẻ lại với các bệnh nhân trong câu lạc bộ để mọi người đảm bảo việc điều trị”, ông Quỹ nói.

Theo ông Quỹ, với bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp, phương pháp điều trị như một cái kiềng 3 chân, với uống thuốc đúng chỉ định, dinh dưỡng khoa học và luyện tập thể dục mỗi ngày sẽ giảm nguy cơ tai biến, biến chứng.

Theo PGS.TS Hà Hữu Tùng, Giám đốc BV Đa khoa Nông nghiệp, trước đây, bệnh nhân huyết áp lên đến 200, đường huyết lên 17 – 20 nhập viện rất phổ biến. Rồi có những bệnh nhân suy thận độ 3 khi vào viện phải chạy thận rồi mới biết mình mắc bệnh.

Thời gian gần đây, nhận thức người dân đã tăng lên, bệnh viện không còn tiếp nhận quá nhiều các ca bệnh tăng huyết áp, tiểu đường với biến chứng nguy hiểm.

Hiện hơn 25% số người trưởng thành ở Việt Nam bị tăng huyết áp và tỷ lệ này đối với bệnh đái tháo đường là 5,5%.

Hồng Hải