Thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng 50% nhu cầu

(Dân trí) - Thuốc sản xuất trong nước mới đáp ứng 50% nhu cầu thuốc, chủ yếu là các thuốc đơn giản, thông thường; còn lại lệ thuộc nhập khẩu, viện trợ. Và một phần của nguyên nhân là 90% nguyên liệu vẫn phải nhập khẩu.

Thiếu thuốc đặc trị

Tại Hội nghị triển khai chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam, TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết dù ngành công nghiệp Dược trong thời gian qua có nhiều tiến bộ vượt bậc nhưng cũng còn nhiều thách thức, khó khăn cần giải quyết. Theo ông Cường, hiện Việt Nam mới chủ yếu sản xuất được các thuốc bào chế đơn giản, trong khi phần lớn thuốc đặc trị ở dạng bào chế phức tạp ta chưa làm được.

Hiện Việt Nam mới chủ yếu sản xuất được các thuốc đơn giản.

Hiện Việt Nam mới chủ yếu sản xuất được các thuốc đơn giản.

Khó khăn nữa là vì phụ thuộc đến 90% nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên Việt Nam mới chủ yếu sản xuất được các thuốc đơn giản. Chưa kể, việc sản xuất thuốc trong nước còn trùng lắp nhiều mặt hàng thông thường, giá trị thấp, chủ yếu là thuốc generic- thuốc hết thời hạn bảo hộ sáng chế.

Báo cáo của 41 bệnh viện và Sở Y tế dùng thuốc generic trong năm 2013 cho thấy, thuốc biệt dược gốc chiếm đến 38% tổng giá trị tiền thuốc của các bệnh viện. Có 144 mặt hàng thuốc biệt dược gốc có giá trúng thầu cao hơn trung bình gần 33% so với nhóm những thuốc có thử tương đương sinh học. Đây là con số chúng ta cần suy nghĩ.

Đến tháng 6/2014, thuốc ngoại nhập có 11.000 số đăng ký tương đương với gần 1.000 hoạt chất, trong khi thuốc nội có 12.000 số đăng ký nhưng lại chỉ của 520 hoạt chất. Trung bình cứ 1 hoạt chất có 23 số đăng ký. Rất nhiều hoạt chất có trên 100 số đăng ký, như paracetamol: 783 số;  clorpheniramin: 280 hay cefixim:191… Có đến 260 tên thuốc cùng hoạt chất hạ nhiệt, giảm đau; 223 tên thuốc cùng là vitamin hoặc thuốc bổ.

Để hạn chết tình trạng này, Bộ Y tế cũng vừa ra thông tư quy định về đăng ký thuốc, trong đó có quy định “không được đặt tên thuốc khác nhau trong trường hợp thuốc có cùng công thức bào chế, cùng quy trình sản xuất của cùng một nhà sản xuất”.

Việt Nam cũng ít thuốc chuyên khoa đặc trị; thuốc mới hầu như chưa được đầu tư, sản xuất; thuốc gây mê, giải độc đặc hiệu, Parkinson hầu như không sản xuất được. Các dây chuyền chủ yếu được đầu tư tập trung vào sản xuất thuốc generic trên các dây chuyền sản xuất viên, cốm, dây chuyền kem mỡ, nước uống, nước dùng ngoài, nang mềm.  Các thuốc biệt dược, chuyên khoa đặc trị và các dây chuyền như tiêm bột đông khô, thuốc đạn, trứng … còn rất ít nhà máy đầu tư.

“Nếu tiếp tục cạnh tranh không định hướng, chia nhỏ thị phần như hiện nay một loại thuốc nhiều đơn vị sản xuất thì sẽ không đủ chi phí để tái đầu tư, đầu tư vào nghiên cứu phát triển. Các doanh nghiệp hiện cạnh tranh để giảm giá. Nếu cạnh tranh bằng chất lượng, giảm chất lượng để giám giá thì là điều rất nguy hiểm”, tiến sĩ Cường nhấn mạnh.

Để giải quyết tình trạng này, TS Cường kiến nghị Hiệp hội các doanh nghiêp dược cần họp, phân chia thống nhất mỗi loại thuốc, dây chuyền thì chỉ một số doanh nghiệp có thế mạnh sản xuất. Từ đó hạn chế tối cạnh tranh, trùng lắp, phân chia thị trường nhỏ, dẫn tới giảm lợi nhuận, thậm chí bán dưới giá thành.

Bên cạnh đó, thời gian tới cơ quan quản lý nhà nước sẽ công bố rõ ràng các định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp dược và các định hướng ưu đãi đầu tư (bao gồm cả ưu tiên sử dụng) theo hướng xác định rõ: Nhóm hoạt chất hoặc hoạt chất, dạng bào chế khuyến khích đầu tư, hưởng ưu đãi.

Xây dựng 5 trung tâm phân phối thuốc

Một vấn đề cũng khiến đau đầu các nhà quản lý, đó là hiện nay có quá nhiều công ty tham gia phân phối, làm hệ thống phân phối ngày càng phức tạp, nhiều tầng lớp. Cả nước có đến 39.000 cơ sở bán lẻ, doanh nghiệp tuy nhỏ nhưng vừa sản xuất vừa phân phối. 2 vạn 3 dân thì có 1 điểm cung ứng thuốc.

“Việc ngày càng nhiều công ty tham gia phân phối, làm hệ thống phân phối ngày càng phức tạp. Việc phân phối rất rối khi ai cũng có thể phân phối thuốc cho nhau. Đường đi của thuốc từ người sản xuất đến tay người sử dụng qua nhiều trung gian nên giá đến tay người tiêu dùng tăng cao, gây khó khăn cho quản lý, gây khó khăn trong thu hồi thuốc kém chất lượng và kiểm soát nguồn gốc thuốc trên thị trường”, ông Cường nói.

Vì thế sắp tới ngành y tế sẽ xây dựng 5 trung tâm phân phối thuốc tại miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ- Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong việc phát triển hệ thống phân phối.

Về việc đảm bảo chất lượng thuốc đấu thầu, Cục Quản lý Dược cũng đang làm đầu mối xây dựng các danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc đàm phán giá, danh mục thuốc trong nước đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng tại chỗ. Chất lượng thuốc được kiểm soát, tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng luôn giảm, duy trì ở tỷ lệ thấp so với khu vực và thế giới. Đổi mới trong đấu thầu thuốc góp phần làm giảm 25-30% chi phí tiền thuốc. Sắp tới, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ thành lập Hội đồng tư vấn quốc gia về đấu thầu thuốc.

Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược giai đoạn đến 2020, tầm nhìn 2030, Bộ Y tế đưa ra mục tiêu, đến 2020,100% thuốc được cung ứng kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh, phấn đấu sản xuất được 20% nguyên liệu cho sản xuất thuốc, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm , trong đó thuốc từ dược liệu chiếm 30%, vắc xin sản xuất trong nước đáp ứng 100% nhu cầu của Chương trình tiêm chủng mở rộng và 30% nhu cầu tiêm chủng dịch vụ. Phấn đấu có 40% thuốc generic sản xuất trong nước và nhập khẩu có số đăng ký lưu hành được đánh giá tương đương sinh học và khả dụngHội nghị triển khai chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam

Cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân với chất lượng bảo đảm, giá hợp lý. Xây dựng nền công nghiệp dược, trong đó tập trung đầu tư phát triển sản xuất thuốc generic, từng bước thay thế thuốc nhập khẩu; phát triển công nghiệp hóa dược, phát huy thế mạnh, tiềm năng của Việt Nam để phát triển sản xuất vắc xin, thuốc từ dược liệu.

Hồng Hải